Những công trình sai phạm nhan nhản mọc lên ở vịnh Lan Hạ thuộc Vườn quốc gia Cát Bà |
Vậy, nhưng lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà và Sở NN&PTNT Hải Phòng đã cho phép ký kết, thực hiện liên doanh, liên kết xây dựng hàng chục công trình quy mô tại các điểm đảo, các công trình này xây dựng đang băm nát cảnh quan.
Phá đảo, xây biệt thự nghỉ dưỡng
Đầu tháng 6, PV Báo Giao thông có dịp đi thực tế khu vực vịnh Lan Hạ thuộc Vườn quốc gia Cát Bà, ghi nhận hàng loạt công trình đồ sộ như resort, nhà nghỉ, nhà hàng, quán karaoke trái phép mọc lên như nấm tại các đảo nhỏ. Tại khu đảo Cát Dứa 2, một doanh nghiệp đã xây dựng nhiều công trình để làm nhà nghỉ, vọng hóng gió, nhà hàng, quán bar, karaoke trên núi. Bên cạnh các công trình đã đi vào hoạt động, nhiều hạng mục đang được triển khai, ngổn ngang sắt thép, vôi vữa tại hiện trường.
Ngoài khu vực đảo Cát Dứa 2, tại các điểm khác như: Nam Cát, Vạn Bội, Tháp Nghiên… với các bãi cát vàng nhỏ xinh đều bị các doanh nghiệp phân chia nhau cát cứ dưới danh nghĩa liên doanh với Vườn quốc gia Cát Bà để xây dựng các dãy nhà nghỉ tự phát và các bến neo đậu tàu du lịch. Tại một số khu vực như đảo khỉ, khi chúng tôi muốn vào một khu vực được xây dựng kiên cố, bãi tắm đẹp, người lái xuồng chở chúng tôi lập tức từ chối vì “đây là khu vực của ông H., chỉ những người có hợp đồng với ông ấy mới được vào tắm”. Quan sát đảo khỉ có thể dễ dàng nhận thấy một phía đảo là bãi tắm cho phép mọi người có thể lui tới tắm biển. Mặt bên kia đảo là lãnh địa của một ông chủ với những công trình đồ sộ, nhiều hạng mục như nhà hàng, nhà nghỉ đã hoàn thành.
Trong vai một khách hàng, PV lên khu nhà nghỉ tại đảo Nam Cát. Trên đảo này cũng bị cát cứ, mọc lên một resort, chỉ những khách của họ mới được lui tới. Tiếp chúng tôi, một lễ tân tại resort này cho biết, giá thuê phòng tại đây từ 60 - 90 USD/ngày. Nhân viên này cho biết thêm, ở một đảo khác cách khu vực Nam Cát vài trăm mét, công ty mới đầu tư xây dựng một công trình nhà nghỉ rất hoành tráng nhưng không phục vụ khách Việt bởi đã có đơn vị đứng ra bao thầu trọn gói, cam kết lúc nào cũng có từ 25 - 30 khách nước ngoài đến lưu trú mỗi ngày.
Cũng theo nhân viên này, những dãy nhà nghỉ khang trang và các hạng mục mới được đầu tư nâng cấp cách đây khoảng 3-4 năm. Trước đó, cũng có các dãy nhà nhưng quy mô thua kém hẳn so với hiện nay.
Theo tìm hiểu của PV, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C49), Bộ Công an đã làm việc với lãnh đạo Vườn quốc gia Cát Bà và Sở NN&PTNT Hải Phòng về vụ việc. Cơ quan CSĐT Công an TP Hải Phòng cũng đang tiến hành điều tra vi phạm về việc quản lý Vườn quốc gia Cát Bà đối với nhiều cán bộ, lãnh đạo có liên quan.
Sẽ xử lý nghiêm vi phạm
Ngày 4/6, một lãnh đạo TP Hải Phòng cho biết, thành phố đã giao cơ quan công an điều tra những sai phạm của các cá nhân, đơn vị liên quan đến việc để các doanh nghiệp, cá nhân vi phạm xây dựng tại các đảo thuộc quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà. Vị này cho biết, thành phố đã họp với các cấp, ngành, xác định từ năm 2007 - 2011, Vườn quốc gia Cát Bà đã thông qua Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường ký kết các hợp đồng liên doanh, liên kết hoạt động kinh doanh du lịch với 9 doanh nghiệp. Trong số này, Công ty Du lịch Thủy sản thương mại Thùy Trang, Công ty CP Dịch vụ du lịch đảo Cát Dứa, Công ty CP Thương mại Tùng Long được giao tổng diện tích đất rừng khoảng 14.000m2 và 150ha mặt nước biển.
Ông Hoàng Văn Thập, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà thừa nhận, tất cả các công trình dự án xây dựng và đang hoạt động trên các đảo tại vịnh Lan Hạ thuộc quản lý của Vườn quốc gia Cát Bà đều chưa được phê duyệt xây dựng, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi triển khai và xây không phép.
Theo ông Thập, từ những năm 1999, tại Vườn quốc gia Cát Bà đã xây dựng dịch vụ nghỉ dưỡng tại 2 bãi tắm là Nam Cát và Cát Dứa 2 với vật liệu chủ yếu là tre, nứa, lá cọ. Đến năm 2009, vườn tiếp tục xây dựng “Đề án cho thuê môi trường để phát triển du lịch sinh thái” và “Đề án giá cho thuê môi trường” để trình UBND thành phố nhưng cho đến nay vẫn chưa được phê duyệt. Ban quản lý lấy văn bản đồng ý về mặt chủ trương của đơn vị chủ quản là Sở NN&PTNT để làm căn cứ liên kết với doanh nghiệp phát triển du lịch sinh thái. Trong khi các thủ tục chưa hoàn tất, có 8 đơn vị liên kết đã xây dựng nhiều công trình tại vịnh Lan Hạ.
Ông Thập chia sẻ, do việc xây dựng đề án phát triển du lịch kéo dài nhiều năm trong khi nhu cầu thị trường đòi hỏi cấp thiết nên Ban quản lý đã xin ý kiến Sở NN&PTNT và UBND huyện Cát Hải cho phép tạm thời liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng nhằm giải quyết nhu cầu trước mắt.
Điều lạ lùng là từ tháng 11/2016, UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu giải tỏa hoạt động kinh doanh du lịch dịch vụ sinh thái của các tổ chức cá nhân của Vườn quốc gia Cát Bà; chỉ đạo Vườn quốc gia Cát Bà tiến hành thanh lý các hợp đồng đã kí kết với các tổ chức cá nhân nhưng Giám đốc Vườn quốc gia Cát Bà vẫn cố tình làm ngơ.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng khẳng định: “Lãnh đạo thành phố đã có công văn chỉ đạo, đốc thúc việc thanh lý các hợp đồng liên kết, thu hồi lại các khu vực xây dựng trái phép nhưng họ không làm. Thậm chí, UBND thành phố yêu cầu phải thường xuyên báo cáo nhưng từ đầu năm 2017, các cơ quan liên quan cũng không thực hiện. Thành phố đang vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh, xem xét kiểm điểm trách nhiệm, có hình thức xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan”.