Thể thao

Bản quyền Asiad 19 tại Việt Nam: Được chào giá 360 tỉ đồng

Admin

Ngày 7-8, đại diện một đài truyền hình cho biết đơn vị sở hữu bản quyền Asiad 19 tại Việt Nam chào hàng gói bản quyền lên tới 15 triệu USD (360 tỉ đồng).

 Giá bản quyền truyền hình cao chóng mặt, người hâm mộ chưa chắc được xem trực tiếp các VĐV Việt Nam thi đấu tại Asiad 19 - Ảnh minh họa: N.TRẦN

Asiad 19 lẽ ra được tổ chức vào năm 2022, nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19, chủ nhà Trung Quốc và Hội đồng Olympic châu Á (OCA) đã lùi lại đến năm 2023.

Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 (Asiad 19) sẽ được tổ chức tại Hàng Châu (Trung Quốc) từ ngày 23-9 đến 8-10.

Dự kiến Asiad 19 có sự tham dự của 45 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đại hội tổ chức 40 môn thi, 61 phân môn, 483 nội dung.

Thể thao Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Asiad 19 với mục tiêu giành 3-5 huy chương vàng. Dự kiến đoàn thể thao Việt Nam sẽ đến Asiad với hơn 400 thành viên, trong đó có hơn 300 vận động viên.

Giá bản quyền Asiad 19 tăng theo cấp số nhân

Ngày 7-8, thông tin với Tuổi Trẻ, đại diện một đài truyền hình cho biết đơn vị sở hữu bản quyền Asiad 19 tại Việt Nam đã chào hàng gói bản quyền đại hội lên tới 15 triệu USD (360 tỉ đồng). Con số này khiến các đài truyền hình, doanh nghiệp kinh doanh bản quyền thể thao tại Việt Nam choáng váng.

Quá trình đàm phán đang diễn ra và đến thời điểm này chưa có đơn vị nào tại Việt Nam sở hữu bản quyền truyền hình Asiad 19.

Năm nay, ban tổ chức Asiad 19 (Trung Quốc) đã chỉ định Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc (CMG) làm đài truyền hình chủ nhà. CMG cũng sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm phân phối bản quyền Asiad 19.

Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như Hong Kong, Ấn Độ đã công bố bản quyền phát sóng Asiad 19 khá lâu. Tuy nhiên, truyền thông không nêu cụ thể số tiền những nơi này bỏ ra để sở hữu bản quyền phát sóng Asiad 19.

Theo dự đoán của các chuyên gia, bản quyền Asiad 19 sẽ có giá cao theo đà tăng trưởng gần đây.

 Kình ngư số 1 Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng đang tích cực tập luyện chuẩn bị cho Asiad 19 - Ảnh: NAM TRẦN

Doanh nghiệp Việt không mặn mà với Asiad

Giá bản quyền truyền hình Asiad 14, Asiad 15 (2002, 2006) tại Việt Nam chỉ có giá tượng trưng là 10.000 USD. Đến Asiad 16 (2010) tại Quảng Châu giá đã lên mức 50.000 USD.

Năm 2014, tại Asiad 17 (Hàn Quốc), gói bản quyền được rao bán 400.000 USD cho gói độc quyền và 200.000 USD cho gói không độc quyền. Năm 2018, bản quyền truyền hình Asiad 18 được rao bán với giá lên tới 3 triệu USD cho gói độc quyền.

Điều đáng nói, nhà cung cấp KJSMWORLD Corp (đơn vị mua lại bản quyền truyền hình Asiad 18 từ ban tổ chức Asiad 18) nhất quyết chỉ bán độc quyền và không giảm giá. Đến phút cuối, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) với sự tài trợ của hai doanh nghiệp lớn đã mua bản quyền Asiad 18 với giá dưới 1,5 triệu USD (khoảng 36 tỉ đồng).

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc một đơn vị kinh doanh bản quyền tại Việt Nam, nói: "Chúng tôi không có nhu cầu mua bản quyền Asiad 19 vì giá đối tác chào hàng quá cao, kinh doanh chắc chắn không hiệu quả bởi thành tích của thể thao Việt Nam tại đại hội không được kỳ vọng nhiều. Chưa kể bóng đá nam Việt Nam cũng chỉ cử đội hình U20 tham dự để cọ xát.

Nhà cung cấp chào hàng giá cao vậy, nếu đơn vị nào sở hữu được bản quyền Asiad 19 thì con số sẽ giảm sâu chứ mức giá này không đơn vị nào kham nổi".

Giá bản quyền truyền hình Olympic Paris 2024 dự báo cũng rất cao

Bản quyền Olympic Tokyo 2020 từng được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) chốt khi ngày đại hội sắp khởi tranh. Một trong những rào cản chính là giá cả.

Nhà cung cấp bản quyền khi đó rao bán gấp 20 lần so với giá bản quyền Olympic Brazil 2016. Tuy nhiên sau quá trình đàm phán, giá đã được giảm xuống ở mức phù hợp. Nhiều khả năng Olympic 2024 giá bản quyền vẫn sẽ ở mức cao.

Đây cũng là xu thế bởi đơn vị bán bản quyền sẽ dựa vào sự phát triển của thể thao Việt Nam cùng quy mô nền kinh tế để định giá.

Tác giả: KHƯƠNG XUÂN

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ