Du lịch

Bánh tam giác mạch nơi cao nguyên đá

Lợi Trần

Giờ đây không chỉ có hoa, mà thứ bánh được người Mông vùng cao nguyên đá Hà Giang làm từ tam giác mạch cũng đã trở thành “hàng hot” đối với dân du lịch khi mùa hoa nở…

Mùa này các vùng Sủng Là, Lũng Cú hay dọc trên quốc lộ 4C rạng rỡ  mùa hoa, thứ hoa đẹp khiến vùng đá nghèo bỗng dưng trở lên hút khách. Khách du lịch lên Hà Giang ngắm hoa, chụp ảnh với hoa và giờ họ còn có thể “nếm” thử cả một màu tím hồng mê mải ấy.

Bánh tam giác mạch được làm từ hạt, thứ mà ít người cất công lên tới Hà Giang để ý bởi mải say trong những cánh hoa muôn hồng nghìn tía. Cuối mùa, người dân thu hoạch tam giác mạch, hạt của chúng được phơi khô, một phần dùng ủ tạo thành loại men hồng mi nổi tiếng, một phần có thể xay bột làm thành món bánh.

Mùa hoa tam giác nở hấp dẫn du khách bằng các sản vật làm ra từ thứ hoa này

Đã có một thời ở đây người ta chẳng ai mấy để í đến nó và cũng vì thế chẳng ai làm nó nữa, phần vì kỳ công, phần vì không bán được. Thế nhưng từ khi loài hoa này “nổi lên” trở thành gần giống như “thương hiệu riêng” của Hà Giang thì nó đã trở thành thứ quà vặt “rất hot” .

Hạt tam giác mạch bé xíu còn chưa bằng nửa hạt đỗ đen, xay nhỏ thành thứ bột thật mịn. Bột nhào với nước thành hỗn hợp dẻo mềm rồi cho vào khuôn đúc thành từng tấm bánh tròn xoe.

Hạt tam giác mạch bé xíu còn chưa bằng nửa hạt đỗ đen, xay nhỏ thành thứ bột thật mịn

Lên Hà Giang bây giờ  khách du lịch không khó để tìm mua thứ quà vặt này. Bạn chỉ cần đỗ xe trước cổng khu di tích nhà Vương là bạn sẽ được những người bán hàng chào mời đon đả.

Dân ở đây bảo rằng, trông chiếc bánh đơn giản là thế nhưng  làm ra nó người Mông khá cũng vất vả. Nhưng vất nhất là công đoạn xay bột. Bột xay bằng tay, nếu không khéo bánh rất dễ bị lợn cợn, khó ăn. Hạt tam giác mạch phơi khô đến chừng nào cũng là bí quyết.

Bánh được hấp chín trên bếp lửa, khi đến tay người mua vẫn còn nguyên hơi ấm. Chỉ mười ngàn đồng một tấm bánh to chừng hai bàn tay người lớn. Người Mông đi chợ phiên thường mua bánh tam giác mạch để ăn cùng thắng cố, như cách họ ăn bánh ngô, bánh gạo hay xôi bảy màu.

Không quá mướt mát như bột gạo, bột tam giác mạch thoáng vị bùi bùi, phảng phất chút hăng hăng đặc trưng của cây rừng. Những chấm tím sậm lấm tấm nổi lên trên nền bánh đượm sắc tím phai như gợi nhớ về một mùa hoa ngọt ngào mỗi độ cuối thu.

 
Từ nhu cầu và lợi thế của loại hoa này, mới đây huyện Đồng Văn đã bắt tay vào sản xuất bánh và rượu từ hạt của cây Tam giác mạch. Các sản phẩm như bánh cốm, bánh dẻo Tam giác mạch đã được sản xuất và bày bán tại các điểm du lịch trên địa bàn huyện Đồng Văn

 

Tác giả bài viết: Hữu Thắng