Giáo dục

Bạo lực học đường: Sức phản kháng không cao dễ dẫn đến trầm cảm

Admin

TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng) cho rằng, với những em sống nội tâm, sau khi bị bạo lực dễ dẫn đến trầm cảm. Nhưng với các em có cá tính sẽ chống đối và bạo lực nối tiếp bạo lực.

Câu chuyện về bạo lực học đường vẫn chưa kết thúc. Bạo lực học đường dẫn đến nhiều hệ lụy đau lòng. Đặc biệt, thời gian gần đây, liên tục những clip, hình ảnh học sinh đánh nhau được đăng tải.

Mới đây nhất chính là clip một nam sinh lớp 12 tại Thái Bình bị nhóm bạn đánh hội đồng trong lớp học. Trong clip, một nhóm nam sinh hết dùng ô đến chân, tay, cùi trỏ đánh vào đầu nam sinh đó. Người bị đánh chỉ biết ôm đầu chịu trận đòn đau và các thành viên khác thản nhiên quay clip.

Hay như một đoạn video clip dài 1 phút 27 giây được chia sẻ chóng mặt trên các diễn đàn, quay lại cảnh 2 cô gái trẻ mặc áo đen tát như vũ bão vào mặt cô gái mặc áo trắng. Cô gái áo trắng chỉ biết ôm mặt khóc sau đó gục mặt xuống đường. Không những bị đánh mà cô gái này còn bị mắng chửi thậm tệ.

 Bạo lực học đường khiến nhiều em bị trầm cảm. (Ảnh internet).

Nhiều người đặt câu hỏi, những em học sinh bị bạn bè đánh sau này sẽ ra sao khi vừa bị tổn thương về tinh thần lại chịu đau đớn về thể xác.

PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng). TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết, hầu hết những vụ bạo lực học đường thời gian vừa qua dẫn đến 2 hệ lụy.

Thứ nhất, với những em đã từng bị bạo lực học đường nhưng lại là người sống nội tâm, sức phản kháng không cao dễ dẫn đến trầm cảm. Những em học sinh này thường sống trong sợ hãi, khép mình và ngại giao tiếp. Điều này cũng rất nguy hiểm, vì các em sẽ làm điều dại dột.

Thứ hai, đối với những em học sinh có cá tính, sức phản kháng cao, khi bị bạn bè bắt nạt sẽ không chịu đứng yên và quay lại chống đối. Như vậy, bạo lực sẽ nối tiếp bạo lực. Nếu không đánh được người bắt nạt mình, các em sẽ trút giận lên những kẻ yếu hơn và như thế tạo nên hung tính.

 TS. Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng).

“Tuy nhiên, cũng có những em khi bị bạo lực học đường có khả năng tự vệ tốt, nhận thức tốt, phân biệt được phải trái. Khi ấy, các em sẽ tìm ra hướng giải quyết tốt để tự thay đổi. Vì thế, thầy cô, gia đình hãy nhìn vào biểu hiện của các em để có thể điều chỉnh tâm lý cũng như hướng đi cho con em mình khi bị bạo lực học đường”, TS. Nguyễn Tùng Lâm phân tích.

Cũng theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, từ những điều này, chúng ta có thể nhận thấy các em học sinh chưa được quan tâm đến chấn thương tâm lý. Khi có bất kỳ sự việc bạo lực học đường nào xảy ra, từ gia đình, nhà trường chỉ đi giải quyết hậu quả và đổ lỗi cho nhau chứ không hề biết trẻ bị bạo lực học đường nghĩ gì, ảnh hưởng như thế nào.

“Chính vì vậy, tôi nghĩ rằng trước hết cha mẹ cần chịu trách nhiệm trước hành vi của con. Trước khi xảy ra chuyện, hãy quan tâm hơn đến cuộc sống cũng như tâm tư nguyện vọng của con mình. Nhà trường cũng cần sát sao hơn nữa đến học sinh của mình để không xảy ra những chuyện đáng tiếc như trên”, TS. Nguyễn Tùng Lâm cho biết.