Vị trí và dự báo đường đi của bão số 4 |
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong 3 giờ vừa qua (tính đến 10 giờ sáng 16-8), bão số 4 đã mạnh thêm, ở đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) đã đo được gió mạnh 25 m/s (cấp 10), giật 32 m/s (cấp 11).
Lúc 10 giờ sáng nay 16-8, vị trí tâm bão số 4 ở vào khoảng 20,0 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, ngay trên đảo Bạch Long Vĩ, cách Móng Cái 180 km, cách Nam Định 180 km, cách Vinh 290 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 120 km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km. Từ đêm nay 16-8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Đến 10 giờ ngày 17-8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 105,5 độ Kinh Đông, ngay trên đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Bắc Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110 km tính từ tâm bão.
Do ảnh hưởng của bão số 4, ở vịnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa bão, gió mạnh cấp 7-8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Ở huyện đảo Bạch Long Vĩ gió mạnh cấp 9-10, giật cấp 12; huyện đảo Cô Tô gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10. Sóng biển trên vịnh Bắc Bộ cao từ 4-6 m, biển động rất mạnh.
Vùng nguy hiểm trên biển trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): toàn bộ vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (Bắc vĩ tuyến 18,5 độ Vĩ Bắc).
Do ảnh hưởng của bão, từ tối nay trên đất liền khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; riêng Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, đã ban hành lệnh cấm biển và kế hoạch sơ tán dân xong trước 12 giờ trưa nay.
Ra công điện khẩn
Sáng ngày 16-8, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa ký công điện khẩn gửi các sở ban ngành, huyện, thị xã, TP trên địa bàn yêu cầu theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơ bão số 4, tình hình mưa lũ trên địa bàn để có phương án đối phó, phòng tránh hiệu quả nhất, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại do chủ quan.
Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương nhanh chóng di chuyển tàu thuyền đến nơi an toàn và cấm biển từ 18 giờ ngày 16-8 |
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu lực lượng chức năng và chính quyền địa phương nhanh chóng hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, bảo vệ các công trình công cộng… Đồng thời có phương án sơ tán dân đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; tổ chức cắm biển cảnh báo và tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở và nghiêm cấm người dân vớt củi khi có lũ.
Tính đến 6 giờ ngày 16-8, tất cả 7.443 phương tiện nghề cá với 27.747 lao động khai thác trên biển của tỉnh Thanh Hóa đã vào bờ hoặc đã tìm được nơi tránh trú an toàn. Các chủ tàu thuyền tránh trú ở các tỉnh ngoài vẫn giữ liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương.
Theo báo cáo của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, hiện địa phương có số tàu thuyền neo đậu tại các bến trong tỉnh là 7.021 tàu thuyền, neo đậu tại các bến tỉnh ngoài là 422 phương tiện với 2.895 lao động. Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã có lệnh cấm biển, nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, đồng thời tổ chức hướng dẫn, sắp xếp tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để người ở lại trên tàu thuyền, lồng bè và chòi canh thủy sản.
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu hoàn thành việc neo đậu tàu thuyền, cấm biển trước 18 giờ ngày 16-8.
Còn tại tỉnh Nam Định, nơi được dự báo bão số 4 sẽ đi qua, UBND tỉnh Nam Định cũng đã có công điện cấm biển từ 5 giờ ngày 16-8 và yêu cầu các ngành, đơn vị nhanh chóng kêu gọi tàu thuyền về nơi an toàn, có phương án sơ tán người trên các chòi canh ngao trước 13 giờ ngày 16-8.
Theo báo cáo của tỉnh Nam Định, đến tối 15-8, địa phương này có trên 1.380 tàu thuyền với hơn 3.700 lao động trong tổng số trên 2.100 tàu thuyền và trên 5.700 lao động vào neo đậu tại các khu tránh, trú an toàn trong tỉnh và một số địa phương khác. Nam Định tiếp tục kêu gọi số tàu thuyền còn lại và gần 1.300 lao động nuôi ngao ở khu vực ven biển nhanh chóng vào bờ, cấm ra biển sau 13 giờ ngày 16-8.