Xã hội

Bão Vamco cận kề, miền Trung nơm nớp nỗi lo sạt lở kinh hoàng

Admin

Chưa kịp gượng dậy bởi dư chấn tang thương những trận sạt lở trước thì mưa bão lại lũ lượt kéo đến dải đất hẹp miền Trung.

Đó là những cảnh báo vừa được lãnh đạo trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ đưa ra vào tối 14/11.

Theo đơn vị này, trong 8 giờ qua (từ 10h - 18h ngày 14/11) trên khu vực các tỉnh từ TT - Huế đến Quảng Nam có mưa to đến rất to. Ở TT - Huế, tổng lượng mưa phổ biến ở mức 15-45mm, một số nơi cao hơn như Nam Đông 86.4mm, Hương Phú 118mm, Hồ Chưa Nước Thủy Yến 127mm, Lộc Tiến 55.4mm.

Do đó, nguy cơ cao xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối, vùng núi từ TT - Huế đến Quảng Nam.

 Những vụ sạt lở kinh hoàng đã xảy ra. Người dân tháo chạy khỏi miệng thử thần trong từng tích tắc.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin Pháp luật, tại TP. Đà Nẵng có những mối lo sạt ở bán đảo Sơn Trà (quận Sơn Trà) và các xã miền núi Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Bắc, Hòa Phú (huyện Hòa Vang). Chính quyền địa phương đã di dời khoảng 600 người dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Cấp bách và được ưu tiên lên hàng đầu trong việc sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở được UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo thực hiện rốt ráo. Số liệu từ ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Quảng Nam thể hiện, tỉnh này đã tổ chức di dời, sơ tán khoảng 24.000 hộ dân tương 72.000 người để phòng tránh bão số 13.

Trong đó, có 13.000 người thuộc diện sơ tán tránh sạt lở ở các huyện miền núi Núi Thành, Đại Lộc, Tiên Phước, Phước Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Nam Trà My... Đặc biệt, huyện Nam Trà My sơ tán hơn 6.000 dân.

Huyện Nam Trà My chính là địa phương gánh chịu nặng nề nhất sự tàn khốc của sạt lở. Bão số 13 đã cận kề nhưng rẻo cao này vẫn chưa gượng dậy nổi từ đống đỗ nát do ảnh hưởng mưa bão số trước đó. Kinh điển nhất là vụ sạt lở vùi lấp 54 người dân ở xã Trà Leng. Tính rộng ra, toàn tỉnh Quảng Nam hiện vẫn còn gần 20 nạn nhân ở huyện Bắc Trà My, Nam Trà My và Phước Sơn đang mất tích.

 Sạt lở liên tục trong những ngày cuối tháng Mười, đầu tháng 11/2020 đã để lại biết bao hệ quả, đau thương ở miền núi Quảng Nam.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện có 93 vị trí thôn, bản, khu, cụm dân cư, điểm trường, trạm y tế… có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, tập trung ở các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang…

 

Rùng mình trước sạt lở kinh hoàng miền núi Quảng Nam

- Ngày 11/11, tại Km66 Quốc lộ 40B, đoạn qua thôn 3, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, xảy ra vụ sạt lở đất đe dọa 9 người dân. Hậu quả, 1 người bị thương, 1 người mất tích. Đúng 1 ngày sau, cũng tại địa điểm này khi lực lượng cứu hộ đã tìm kiếm nạn nhân thì ngọn núi lại đỗ úp xuống. May mắn không có thiệt hại thêm về người.

- Chiều 10/11, mưa lớn khiến đất tại 1 ngọn đồi ở thôn An Mỹ, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh sạt lở vùi lấp khiến 1 người.

- Ngày 28/10, vụ sạt lở vùi lấp 54 người ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My. Trong số này, 9 người chết, 13 người mất tích, số còn lại bị thương nặng.

- Ngày 28/10, vụ sạt lở xã Trà Vân, huyện Nam My khiến 8 người chết.

- Ngày 28/10, tại thôn 6, xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn xảy ra 1 vụ sạt lở khiến 11 người bị vùi lấp. Trong số này, 5 người đã tử vong, 6 người mất tích.

- Ngày 27/10, 2 cán bộ xã Phước Lộc, huyện Phước cũng bị sạt lở vùi lấp.

Ngoài ra, có đến cả trăm vụ sạt lở khác gây thiệt hại về tài sản, nhà cửa, đường xá, gây nên tình cảnh cô lập cho hàng trăm người dân huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Ở các vụ việc, lực lượng công an, quân đội, chính quyền đã vào cuộc bằng tất cả ý chí, nhân lực, vật lực... để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn giảm bớt thiệt hại mà tai ương gây ra.

 

Tác giả: Lê Nhâm Thân

Nguồn tin: nguoiduatin.vn