Kinh tế

Bảo vệ môi trường trong cải tạo đầm nuôi tôm

Lợi Trần

Để cải thiện môi trường nuôi, nhiều hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã triển khai cách thức nuôi tôm mới, đó là dành nhiều quỹ đất làm ao lắng, trải bạt trong ao nuôi. Hiệu quả thấy rõ khi môi trường được cải thiện, năng suất tăng gấp 2- 3 lần.

Liên tiếp 2 năm  nay, gia đình anh Nguyễn Văn Khánh - xóm 2 xã Quỳnh Minh - huyện Quỳnh Lưu luôn thắng đậm trong nuôi tôm, với doanh thu hơn 2 tỷ đồng/ năm. Trong 8 ao nuôi với diện tích 5ha, anh đã chuyển hướng sang sử dụng 3 ao to nhất để làm ao lắng xử lý nước. Thêm vào đó, tại các ao nuôi, anh đều lắp đặt hệ thống xử lý môi trường  tại chỗ. Cách làm này đã cải thiện được được  trên 70% vấn đề về môi trường. Anh Khánh chia sẻ: Phải tạo nhiều ao lắng thì mới lấy được nước sạch, khi có ao lắng xảy ra sự cố gì thì có thể thay nước nhanh chóng.
 

Dành nhiều quỹ đất làm ao lắng để cải tạo môi trường sẽ giảm nguy cơ dịch bệnh cho tôm.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có gần 500ha nuôi tôm. Để cải thiện môi trường nuôi, hạn chế dịch bênh, hiện nay, nhiều hộ nuôi tôm đã thực hiện nuôi theo phương thức dành 30-40% diện tích nuôi làm ao lắng. Và 70% diện tích được áp dụng theo phương thức mới này. Cùng với đó, bà con còn áp dụng biện pháp nuôi rải vụ, sử dụng ao chưa thả giống làm ao lắng, giảm áp lực trong đầu tư. Nhờ vậy, năng suất có những vùng đã tăng gấp 2 lần so với trước đây, với tổng sản lượng năm 2015 đạt  3000 tấn, riêng  trong vụ 1 vừa rồi bà con thu về 2.500 tấn.

Ông Nguyễn Anh Hùng - Trưởng trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu  cho biết: Huyện tổ chức các đợt tham quan học tập để tuyên truyền; tăng cường các lớp tập huấn để phân tích, nguyên nhân để thuyết phục bà con đi theo hướng nuôi tôm công nghiệp mới.

 

Ao nuôi tôm của gia đình anh Nguyễn Văn Khánh - xóm 2 xã Quỳnh Minh - huyện Quỳnh Lưu.

Ngoài sử dụng ao lắng, chủ động tốt nguồn nước, nhiều hộ nuôi tôm phường Quỳnh Dị - TX Hoàng Mai còn sử dụng biện pháp luân chuyển ao nuôi trong các vụ. Cách làm này hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh. Anh Phạm Văn Giang- Khôi Tân Đông - phường Quỳnh Dị có 7 ao nuôi, anh chỉ nuôi 5 ao, còn 2 ao để lắng, với mục đích để xử lý và đảm bảo nước của mình luôn sạch. Anh nói: Có 2 ao, mình bỏ một ao, những ao đó chỉ chứa nước chứ không nuôi. Mình giảm diện tích nuôi, giảm nhân công, giảm chi phí, nhưng hiệu quả tăng lên.
 

Nhờ nguồn nước được đảm bảo, rủi ro được đẩy lùi, nhiều hộ nuôi tôm ở Quỳnh Lưu đã thắng đậm trong những vụ mùa qua.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có đến 1350ha diện tích nuôi tôm. Trong đó, 70% diện tích nuôi đã có ao lắng - chiếm 25-30% diện tích nuôi. Nhờ đó,việc nuôi tôm của bà con thuận lợi từ khâu thả giống đến khâu xử lý dịch bệnh. Nếu thời tiết bất thuận như  mưa lụt hay hạn hạn hán thì các hộ nuôi cũng không bị ảnh hưởng, thời vụ luôn luôn  đảm bảo. Nhờ vậy, năng suất những năm gần đây tăng gấp 2- 3 lần.

Ông Trần Xuân Quang- Phó phòng Nuôi trồng thủy sản -  Chi cục Thuỷ sản tỉnh khuyến cáo: Để chủ động nguồn nước, bà con tăng thêm diện tích ao lắng từ 30-50% trong tổng diện tích nuôi để chủ động hơn trong quá trình lấy nước, đặc biệt trong thời điểm khô hạn….

Cách thức nuôi mới bằng việc dành quỹ đất nhiều hơn cho việc bố trí ao lắng cần được bà con duy trì thực hiện. Cùng với đó, bà con cần chú ý đầu tư cho khu nuôi diện tích đất phù hợp,  thực hiện đúng khung lịch mùa vụ, quản lý chăm sóc đúng theo quy trình hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Có như vậy, mới tiến tới được nền nông nghiệp sạch từ quy tình đến an toàn cho sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị cho con tôm của Nghệ An.

Tác giả bài viết: Thu Vinh – Mai Liên