Số hóa

Bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, Huawei vẫn đạt lợi nhuận ròng kỷ lục

Admin

Năm 2021, Huawei ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 113,7 tỷ nhân dân tệ (17,8 tỷ USD), tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh thu giảm khoảng 29% do phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Cuộc họp công bố kết quả kinh doanh năm 2021 tổ chức tại Thâm Quyến (Trung Quốc) của gã khổng lồ viễn thông Huawei đánh dấu sự trở lại của Giám đốc Tài chính - bà Mạnh Vãn Châu, người bị Canada giam lỏng 3 năm và chỉ mới được thả tự do vào tháng 9 năm ngoái. Đây là lần đầu tiên bà Mạnh xuất hiện trước công chúng sau 6 tháng trở về quê nhà.

Trong năm ngoái, Huawei ghi nhận lợi nhuận ròng đạt 113,7 tỷ nhân dân tệ (NDT - 17,8 tỷ USD), tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng doanh thu giảm khoảng 29% do phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm ngăn chặn quyền tiếp cận công nghệ và nguồn cung ứng trọng yếu.

Kết quả này cho thấy "gã khổng lồ" viễn thông và điện thoại thông minh đến từ Trung Quốc đã nỗ lực cắt giảm chi phí và dựa vào linh kiện sản xuất trong nước để ứng phó với tác động từ các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Mặc dù vậy, không thể phủ nhận rằng công ty vẫn gánh chịu những hậu quả nặng nề. Với việc từng là nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất Trung Quốc, giờ đây, doanh thu mảng này của Huawei giảm một nửa, xuống còn 243,4 tỷ nhân dân tệ (38,1 tỷ USD).

 Một cửa hàng của Huawei tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.

Năm 2018, Huawei đã vướng vào cuộc đối đầu thương mại và công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc sau khi chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu đối với tập đoàn này.

Khi đó, Chính phủ Mỹ viện dẫn những lo ngại rằng Huawei có thể gây ra nhiều mối đe dọa về an ninh mạng và gián điệp dựa trên cáo buộc tập đoàn này có liên hệ với quân đội Trung Quốc. Huawei vẫn luôn phủ nhận những cáo buộc trên.

Một số động thái đáng chú ý có thể kể đến như Mỹ đã cấm Huawei mua các thành phần quan trọng gồm vi mạch từ các công ty nước này, đồng thời cản trở Huawei tiếp cận hệ điều hành Android của Google.

Kế đến, nhiều hoạt động kinh doanh tiêu dùng và thiết bị 5G của Huawei cũng bị cấm khỏi một số khu vực châu Âu và châu Á. Các nhà cung cấp chip chủ chốt cho Huawei đều cắt đứt quan hệ với công ty này năm 2020.

Những khó khăn của Huawei đã buộc hãng phải nhanh chóng chuyển sang các ngành kinh doanh mới, bao gồm dịch vụ điện toán doanh nghiệp, thiết bị điện tử mang trên người (wearable), công nghệ y tế, công nghệ dành cho phương tiện thông minh và phần mềm.

Tác giả: Thục Anh

Nguồn tin: Báo Công lý