Tin địa phương

Bát nháo cò mồi

Admin

Đầu xuân, hàng vạn du khách muôn phương đổ về trảy hội đền Kiếp Bạc, thuộc Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc của tỉnh Hải Dương, một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt quốc gia, nhất là trong những ngày diễn ra lễ hội vào mỗi dịp tháng Giêng âm lịch.

 Dịch vụ đổi tiền lẻ có khi chênh lệch đến 40% ở đền Kiếp Bạc. Ảnh minh họa

Hòa vào dòng người đông đúc chốn cửa đền, Đạt - một thành viên trong đoàn hành hương mặt mũi có vẻ lơ ngơ - đang đi bỗng nghe tiếng gọi giật giọng: “Này! anh áo kẻ, ông gọi kìa”.

Chả biết “ông” là ai, song vừa ngoảnh đầu lại, anh thấy một người trung tuổi, mặc khăn xếp áo the ngồi ở dãy quán ven đường đang vẫy. Ghé vào, “ông” giơ ra bắt tay anh có vẻ rất thân mật, mời ngồi, rồi thăm hỏi như đã thân quen...

“Lại thêm một con vịt vào tròng!”, một chị bán hàng rong chép miệng. Chị kể, ở cổng đền luôn túc trực một đội quân cò mồi mời gọi xem tướng, xem tử vi, viết sớ, cấp sắc khoán, lệnh...

Sau câu chuyện hỏi han thân mật ban đầu, những vị khách được mời viết sớ với giá chỉ 10 ngàn đồng, thế rồi khi đã vào tròng của các “thầy”, không ít khách nhẹ dạ cả tin rơi vào vòng xoáy với hàng loạt dịch vụ, như: sắm lễ, khấn thuê và hóa vàng giúp... với mức giá “trên trời” - có sự chệnh lệch khủng từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng.

“Có người còn được thầy cho lộc, song lại đề nghị tùy tâm trả tiền. Đã vậy, tùy tâm cũng có... mức sàn trên 100 ngàn đồng, bởi “thầy xin lộc của đền đã là như vậy rồi!?”. Nhiều người biết đắng song đành phải trả tiền vì sợ mất lộc đầu năm...” - chị hàng rong cho hay.

Một du khách mỗi dịp đầu năm đều đi lễ đền Kiếp Bạc cho hay, năm trước khi xe chị vừa đến cổng thì có người chỉ dẫn cho lái xe đi qua đường cấm, vào gửi xe trong tận cổng đền.

Xe vừa vượt qua chiếc barie có biển “cấm ô tô” thì bị hô giá gấp mấy lần giá gửi xe phía ngoài, anh lái xe đã nhanh trí quay xe ra ngoài đỗ vào bãi với giá quy định.

“Rút kinh nghiệm, năm nay chị dặn lái xe không được đi theo chỉ dẫn của những cò mồi nhan nhản hai bên đường tại cổng đền nữa...”- chị khách chia sẻ.

Được biết, cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương và Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đã thực hiện nhiều biện pháp tuyên truyền, thậm chí đọc ngay trên hệ thống loa phát thanh tại đền; tổ chức ký cam kết với các hộ dân trong khu vực di tích không tăng giá dịch vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không để tồn tại những dịch vụ gây phản cảm…

Song, tình trạng bát nháo cò mồi tại cổng đền Kiếp Bạc có lẽ cần sự xử lý mạnh tay hơn nữa để trả lại sự trong sáng cho một lễ hội đẹp tại địa phương.