Trong nước

Bế mạc Hội nghị Trung ương 7: Kiểm soát quyền lực, chống chạy chức

Admin

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh điểm nhấn của nghị quyết lần này là trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; chống chạy chức, chạy quyền

Tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 7), ngày 12-5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng.

Đảng lãnh đạo toàn diện

Tổng Bí thư cho biết sau 6 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, hội nghị đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm rõ thêm một số vấn đề và khái quát lại những kết quả quan trọng đã đạt được. Theo đó, trung ương đã chỉ rõ: Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược tập trung xây dựng trong thời gian tới, phải có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Theo Tổng Bí thư, công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý thống nhất đội ngũ cán bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường, cơ chế và điều kiện để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và bảo vệ cán bộ; phân công, phân cấp gắn với giao quyền, ràng buộc trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.

Tổng Bí thư nhấn mạnh: "Điểm nhấn của nghị quyết lần này là trung ương yêu cầu phải có phương pháp đánh giá cán bộ một cách khách quan, chính xác; có cơ chế tạo động lực, đổi mới sáng tạo, rèn luyện qua thực tiễn có nhiều khó khăn, thách thức lớn của đội ngũ cán bộ và đề cao giải pháp kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ".

Cũng theo Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu xây dựng, hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của nhà nước, lạm dụng, lợi dụng quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp tay cho tệ chạy chức, chạy quyền. Kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm, có hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ.

Đáng chú ý, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong nửa cuối của nhiệm kỳ khóa XII, từng bước thực hiện việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương; làm tốt công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tập trung xây dựng Ban Chấp hành Trung ương theo hướng nâng cao chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý. Chủ động chuẩn bị nhân sự, xây dựng các cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước và các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực sự tiêu biểu về trí tuệ và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Xây dựng tiêu chuẩn và có kế hoạch, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách đối với các Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng.

 Các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với các nội dung trong phiên bế mạc hội nghị Ảnh: TTXVN 

Xây dựng bảng lương mới

Bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nêu rõ 2 vấn đề quan trọng là cải cách chính sách tiền lương và chính sách BHXH.

Về cải cách chính sách tiền lương, Tổng Bí thư cho biết Ban Chấp hành Trung ương nêu rõ đối với khu vực công, thiết kế cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới với tỉ lệ hợp lý hơn giữa lương cơ bản, các khoản phụ cấp và bổ sung chế độ tiền thưởng. Xây dựng hệ thống bảng lương mới, quy định mức lương bằng số tiền tuyệt đối theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo trên cơ sở điều chỉnh tăng mức lương thấp nhất và mở rộng quan hệ tiền lương tiệm cận với khu vực thị trường, gồm 1 bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp xã; 1 bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ áp dụng chung đối với công chức, viên chức không giữ chức danh, chức vụ lãnh đạo; 3 bảng lương đối với lực lượng vũ trang.

Đối với khu vực doanh nghiệp, tiếp tục hoàn thiện chính sách về tiền lương tối thiểu vùng theo tháng để bảo vệ người lao động yếu thế; bổ sung quy định mức lương tối thiểu vùng theo giờ; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Doanh nghiệp (kể cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước) được tự chủ quyết định chính sách tiền lương (trong đó có thang, bảng lương, định mức lao động) và trả lương theo năng suất lao động, hiệu quả sản xuất - kinh doanh.