Du lịch

Bí ẩn về hồ nước đỏ như máu, biến hàng nghìn sinh vật “hóa đá”

Admin

Hồ nước mặn có màu đỏ như máu, là mối đe dọa của các sinh vật tại đây. Bất cứ sinh vật nào vô ý ngã xuống nước đều bị “hóa đá” do nồng độ pH trong nước cao tới 10,5 và nước nóng gây hỏng mắt, bỏng da.

Natron là hồ nước mặn nằm tại phía bắc Tanzania, gần biên giới Kenya và ở phía đông bắc của Ngorongoro Crater. Nằm giữa những ngọn đồi núi lửa và hố sâu, hồ Natron nằm ở điểm thấp nhất của thung lũng – cao hơn 600m so với mực nước biển và có lẽ là nơi chứa nước ăn mòn nhất thế giới.

 

Là một trong những hồ nước có vẻ đẹp thanh bình nhất châu Phi, nhưng người dân địa phương còn gọi nó là “hồ tử thần”. Một số bức hình do các nhiếp ảnh gia ghi lại cho thấy nhiều sinh vật không may rơi xuống nước giống như bị “hóa đá”. Điều gì tạo nên hiện tượng này?

Hồ Natron được sông Ewaso Ng'iro ở phía nam cung cấp nước và cũng là suối nước nóng giàu khoáng chất. Lòng hồ sâu độ 3m, có chiều rộng thay đổi phụ thuộc và mực nước và lượng nước bốc hơi.

 

Natron mang vẻ đẹp rất bí ẩn khi nước có màu đỏ như máu và nổi váng. Độ pH trong hồ rất cao lên tới 10,5. Nó có thể đốt cháy da và làm hỏng mắt những sinh vật không thể thích nghi khi vô tình rơi xuống nước.

Độ kiềm của nước bắt nguồn từ cacbonat natri và các khoáng chất chảy vào hồ từ ngọn đồi xung quanh. Và muối cacbonat natri chính là một trong những chất được người Ai Cập cổ đại dùng để ướp xác. Chúng được coi như chất bảo quản thi thể tuyệt hảo. Cũng chính điều này khiến cơ thể sinh vật cứng lại như đá. Không một loại sinh vật nào sống được trong hồ, trừ chim hồng hạc nhỏ và một số loại vi khuẩn, tảo.

 Cảnh một con chim hồng hạc bị hóa đá

Chính loại vi khuẩn cyanobacteria trong hồ tạo nên nước có màu đỏ thẫm như máu. Còn khu vực vùng hồ nông có màu da cam. Nhiệt độ trong hồ cao tới 41 độ C, hàm lượng muối cao nên không phải là môi trường sống lý tưởng của các sinh vật thông thường. Khi mực nước trong hồ thấp, người ta sẽ thấy cảnh xác của sinh vật từng rơi xuống nước dạt vào bờ. Trên cơ thể chúng được phủ lớp muối. Và đặt biệt, nhờ cacbonat natri khiến phần xác cứng lại như lớp đá. Bởi vậy, câu chuyện về sinh vật hóa đá cũng bắt nguồn từ đây.

 

Ngoài ra, do độ phản quang mạnh khiến nhiều loài chim bay qua hồ Natron dễ bị lóa mắt rồi rơi xuống nước. Thực chất, chúng không phải bị hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ nào hóa đá, mà chẳng qua chết do môi trường nước trong hồ quá khắc nghiệt và bị vôi hóa.

 Hồ nước là chỗ ở lý tưởng của loài hồng hạc


Năm 2013, nhiếp ảnh gia Nick Brandt có dịp tới đây và ghi lại nhiều khoảnh khắc ám ảnh về cái chết của những sinh vật tại đây. Những bức hình được tổng hợp trong một cuốn sách mang tựa "Across the Ravaged Land” (tạm dịch: Băng qua vùng đất chết chóc).

Hồ tử thần lại là môi trường sống lý tưởng của chim hồng hạc. Tới mùa sinh sản có tới cả triệu con chim tụ tập tại đây. Tất nhiên, cũng có những chú hồng hạc bị rơi xuống hồ rồi “hóa đá”, nhưng số lượng không nhiều.