Kinh tế

Bị siết nợ 1 triệu USD, Bầu Đức vật vã tìm lối thoát khó

Admin

Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh khó khăn, nợ nần và tiếp tục tìm kiếm lối thoát cho doanh nghiệp tầm cỡ khu vực: từ cầm cố, bán tài sản cho tới chấp nhận bị bán giải chấp siết nợ.

Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) vừa có thông báo đã bán ra 3,83 triệu cổ phiếu HAG trong ngày 20/7/2018. Đây là số lượng cổ phiếu được CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) tự động bán giải chấp chứng khoán cầm cố để thu hồi nợ vay.

Với mức giá khoảng 6.200 đồng/cp như hiện tại, số lượng cổ phiếu của Bầu Đức bị bán ra siết nợ trị giá gần 24 tỷ đồng (khoảng 1 triệu USD).

Mặc dù bị siết nợ, nhưng Bầu Đức không bị thiệt hại do trước đó đã mua vào một khối lượng khá lớn cổ phiếu HAG ở mức giá thấp hơn. Bầu Đức đã mua vào 4,8 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 8/5 đến 6/6 và mua 1 triệu cổ phiếu trong thời gian từ 11/6 đến 9/7.

Trong cú mua 4,8 triệu cổ phiếu HAG trong khoảng thời gian 8/5-6/6, Bầu Đức phải chi ra chỉ khoảng 23 tỷ đồng, tương đương khoảng 1 triệu USD bởi cổ phiếu HAG khi đó ở mức giá thấp kỷ lục: 4.400-5.000 đồng/cp.

Bầu Đức bị bán giải chấp ở vào thời điểm mà cổ phiếu HAG vừa có đợt hồi phục tăng giá dữ dội, tăng thêm 30-35% từ mức đáy khoảng 4.500 đồng/cp hồi cuối tháng 5 đầu tháng 6 lên mức 6.200-6.300 đồng/cp như hiện tại.

Hiện tại, ông Đoàn Nguyên Đức đang nắm giữ 326,7 triệu cổ phiếu, tương đương 35,23% cổ phần của HAGL.

 

Trong khoảng 5 phiên trước đó, bộ đôi cổ phiếu HAG và HAGL Agrico (HNG) của Bầu Đức tăng giá mạnh và chứng kiến hàng loạt các giao dịch khủng.

Riêng HAG chứng kiến 6 phiên giao dịch liên tục có khối lượng giao dịch từ 9-21 triệu đơn vị được chuyển nhượng/phiên, trị giá cả trăm tỷ đồng mỗi phiên.

Trong phiên 18/7, bộ đôi cổ phiếu HNG và HAG có tổng khối lượng giao dịch đạt 58 triệu đơn vị, chiếm khoảng 25% về khối lượng và 12% tổng giá trị giao dịch toàn sàn. Giới đầu tư bàn tán về khả năng 1 đại gia sẽ mua cổ phiếu HAGL Agrico và sẽ đưa người vào đẩy mạnh doanh nghiệp này lên thành công ty nông nghiệp có tầm cỡ trong khu vực.

Tin đồn xuất hiện trong bối cảnh HAGL Agrico vừa trải qua một thất bại thảm hại, Bầu Đức ế ẩm, chỉ bán được 0,01% lượng trái phiếu chuyển đổi mà HNG chào bán. HNG chỉ bán được 22 trái phiếu (mỗi trái phiếu 10 triệu đồng) trong tổng số 221.710 trái phiếu đăng ký chào bán.

Trái phiếu có tỷ lệ chuyển đổi là 1:1.000, tức là 1 trái phiếu chuyển đổi sẽ được đổi thành 1.000 cổ phiếu tại thời điểm chuyển đổi. Giá chuyển đổi 10.000 đồng/cổ phiếu. HAGL Agrico dự kiến sẽ thu về hơn 2.217 tỷ đồng qua đợt chào bán trái phiếu chuyển đổi. Số tiền thu được công ty dự kiến dùng 1.137 tỷ đồng để đầu tư trồng mới và chăm sóc cây ăn trái. Khoảng hơn 1 ngàn tỷ đồng dự kiến được công ty sử dụng tái cơ cấu tài chính. Hiện tại, công ty đang tiến hành đàm phán với các chủ nợ của công ty để cơ cấu lại các khoản nợ.

Trước đó, Bầu Đức cho biết, ông đang làm hết sức, cổ đông hãy chờ đợi và HAGL Agrico sẽ vĩ đại. Tại ĐHĐCĐ HAGL Agrico, Bầu Đức cho biết, vấn đề lớn nhất của HNG là vốn, hiện có bao nhiêu tiền đều ưu tiên phát triển cây ăn trái.

Hồi đầu tháng 6, Bầu Đức cũng gặp vận đen: cổ phiếu HAG xuống đáy lịch sử, trong khi MV Index Solutions (MVIS) loại cổ phiếu HAG ra khỏi danh mục của chỉ số MVIS Vietnam Index- một trong các bộ chỉ số cơ sở của MVIS Indices để cho các quỹ đầu tư mô phỏng theo khi đầu tư vào Việt Nam.

Trong vài năm gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức đã liên tục tái cơ cấu nợ của Tập đoàn HAGL bằng việc thu xếp nợ với các ngân hàng. HAGL cũng đã chuyển chiến lược từ nuôi bò sang chồng chuối, ớt để có nguồn thu nhanh, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp.

Trước đó, Bầu Đức đã bán mảng bất động sản, thủy điện, mía đường.

Bầu Đức đã bán toàn bộ mảng mía đường cho các doanh nghiệp nhà ông Đặng Văn Thành. Doanh nghiệp của đại gia phố núi trước đó cầm cố gần như tất cả các tài sản của tập đoàn, từ nhà đất bất động sản, vườn cây, trụ sở, công trình học viện bóng đá, công trình Đại học Y dược HAGL, các tài sản thành từ vốn vay dự án nuôi bò, các vườn cao su tại Lào, Văn phòng làm việc Hội sở chính HAGL, tổng tài sản hình thành trong tương lai từ dự án “Trung tâm thương mại HAGL tại Myanmar”… và hàng chục triệu cổ phiếu của chính ông Đức và vợ…

Mặc dù tình hình tài chính tại HAGL và HAGL Agrico đã tương đối ổn định trở lại, các doanh nghiệp của Bầu Đức đã làm việc với ngân hàng về các khoản nợ trong vài năm gần đây, nhưng những khoản đầu tư quá lớn trong quá khứ vẫn là rào cản để công ty bứt phá trở lại.

Trên thực tế, khối nợ của HAGL đã giảm dần nhưng vẫn còn rất lớn. Ở vào thời điểm này, HAGL vẫn đang đối mặt với tổng nợ lên tới 34,9 ngàn tỷ đồng, cao gấp đôi vốn chủ sở hữu, trong đó nợ ngắn hạn lên tới hơn 11,8 ngàn tỷ đồng.