Pháp luật

Bị thất nghiệp, người phụ nữ nghĩ cách lừa tiền tỷ của nữ doanh nhân

Admin

TAND TP Hà Nội vừa tuyên phạt Phạm Thanh Nga (SN 1981, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, do làm ăn thua lỗ, Nga nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Tài liệu điều tra thể hiện, khoảng tháng 8/2014, anh Phó Hữu Bằng (SN 1976, ở quận Ba Đình) có quan hệ quen biết với Phạm Thanh Nga.

  "Siêu lừa" Phạm Thanh Nga tại phiên tòa sơ thẩm. (Ảnh: báo VNExpress)

Quá trình quen biết nhau, Nga tự giới thiệu với anh Bằng bản thân là con nuôi một đồng chí Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng và là em kết nghĩa của ông Nguyễn Văn Hải — Bí thư Quận ủy Nam Từ Liêm.

Bên cạnh đó, Nga còn nói có nhiều mối quan hệ và có khả năng xin được việc làm, xin chuyển công tác và “lo” chạy chức quyền.

Tin lời Nga nói là thật, anh Bằng đã nhờ người phụ nữ này “lo” cho bạn là một cán bộ đang công tác tại bộ phận địa chính của UBND phường thuộc quận Tây Hồ xin chuyển công tác và “chạy” lên chức Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Nga nhận lời và nói giá 120.000 USD, hẹn tháng 11/2014 sẽ có quyết định. Cán bộ địa chính đồng ý và đã đưa cho anh Bằng nhiều lần với tổng số tiền 66.000 USD và 1 tỷ đồng. Số tiền này, anh Bằng đã chuyển cho Nga để lo chi phí xin việc cho bạn mình.

Đến hẹn, không thấy có quyết định bổ nhiệm như Nga đã cam kết, anh Bằng xác minh và phát hiện Nga lừa đảo nên đã đòi lại tiền. Bị đòi, Nga đã đưa anh Bằng 1,2 tỷ đồng để trả cho bạn anh này và Nga trực tiếp đưa cho bạn anh Bằng 20.000 USD.

Cơ quan chức năng xác định Nga đã lừa đảo, chiếm đoạt số tiền hơn 2,4 tỷ đồng, đã trả lại được hơn 1,6 tỷ đồng.

Tại CQĐT, Phạm Thanh Nga còn khai lừa đảo chiếm đoạt tài sản của một số người khác nhưng đến nay chưa làm rõ được nên CQĐT đã quyết định tách rút tài liệu liên quan để tiếp tục điều tra, xử lý.

Cụ thể, khoảng tháng 12/2014, anh Bằng còn nhờ Nga “lo” cho anh D từ Phó Chủ tịch UBND một huyện miền núi lên làm Chủ tịch UBND huyện.

Nga đồng ý và yêu cầu nộp 60.000 USD. Anh Bằng báo với anh Dũng là 80.000 USD. Vài ngày sau tại nhà Nga, anh Bằng đã đưa số tiền trên nhưng đến hẹn, anh Dũng không có quyết định bổ nhiệm.

Tháng 3/2015, Nga đã trả lại cho anh Bằng 50.000 USD và 250 triệu đồng nên anh Bằng ký vào sổ tay của Nga.

Cơ quan điều tra xác minh thông tin bị hại tại UBND huyện miền núi nói trên tuy nhiên, người này cho biết chưa từng gặp và không có bất cứ giao dịch công việc gì liên quan đến Nga.

Trước đó, khoảng tháng 8/2012, Phạm Thanh Nga có thuê căn hộ chưng cư tại tòa nhà MIPEC ở phố Tây Sơn của chị Trần Thị Vân Anh (SN 1971, ở quận Thanh Xuân).

Qua tiếp xúc, Nga biết chị Vân Anh là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh thiết bị y tế nên dùng thủ đoạn giả danh con nuôi một lãnh đạo Trung ương phụ trách vấn đề y tế, văn hóa.

Nga nói với chị Vân Anh bản thân có thể lo giúp chị Vân Anh trúng thầu các dự án cung cấp thiết bị y tế cho các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế để chiếm đoạt tiền của chị Vân Anh. Tin lời Nga nói là thật, chị Vân Anh đã nộp hồ sơ năng lực của công ty mình cho Nga.

Nhận hồ sơ xong, Nga nhờ một đối tượng tên Thắng làm nghề xe ôm ở khu vực quận Đống Đa (hiện chưa xác minh được lai lịch) điện thoại cho chị Vân Anh tự xưng là cán bộ Ban Tổ chức T.Ư.

Qua điện thoại, kẻ giả danh hứa sẽ giúp chị Vân Anh trúng thầu các dự án. Sau đó, cuối năm 2014, đầu năm 2015, Nga sử dụng các số điện thoại khác nhau giả danh cán bộ này nhắn tin cho Vân Anh chuẩn bị “quà” gửi cho các lãnh đạo ở địa phương để việc trúng thầu sau này được thuận lợi với số tiền từ 10.000 — 15.000 USD.

Bằng nhiều phi vụ khác, tổng số tiền Nga đã chiếm đoạt của chị Vân Anh là hơn 26 tỷ đồng, mới trả được hơn 3,6 tỷ đồng. CQĐT xác định, từ tháng 8/2014 đến tháng 5/2016, Phạm Thanh Nga đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại tổng số tiền hơn 36 tỷ đồng.

Tại tòa, bị cáo Nga khai ngoài 5,3 tỷ đồng khắc phục thiệt hại, số còn lại hơn 31 tỷ đồng, bị cáo dùng trả nợ và ăn tiêu.