Giáo dục

Biên chế là gì mà giáo viên “phải xin”, “phải chạy”, thậm chí phải…đổi tình?

Admin

Đã gần một tuần trôi qua nhưng câu chuyện một giáo viên tại Tây Nguyên chấp nhận “đổi tình” để được vào biên chế ngành giáo dục vẫn thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Sự việc nay chỉ giống như giọt nước tràn ly, một lần như gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng “chạy” biên chế mà bấy lâu nay đã tồn tại trong tiềm thức của nhiều người.

Trước đó, chúng ta cũng đã từng nghe đến những câu chuyện người ta sẵn sàng bán nhà, bán đất, bán tất cả những gì có thể bán để có thể chạm tay vào hai từ “biên chế”. Không ít gia đình trở nên kiệt quệ vì “đặt tiền” để “mai phục vào biên chế”.

Câu chuyện nữ giáo viên chấp nhận “đổi tình” để được vào biên chế cũng chỉ là tiếp nối những gì đang diễn ra bấy lâu nay nhưng chưa được dư luận phanh phui mà trước đó chỉ là những câu chuyện rỉ tai nhau.

Sở dĩ, câu chuyện đổi tình được biết đến là vì nữ giáo viên muốn chấm dứt “hợp đồng tình ái” vì sợ gia đình và đồng nghiệp phát hiện. Thế nhưng, quyết không chịu buông tha, vị phó hiệu trưởng nhà trường đã tung toàn bộ clip ân ái của hai người lên mạng xã hội. Và lúc này đương nhiên được dư luận quan tâm.

Nhiều người nói rằng, đó là đỉnh điểm của sự méo mó, biến chất, tha hóa của ngành giáo dục cần được chấn chỉnh ngay. Có ai nghĩ rằng, sống với nghề cao quý giáo viên lại phải làm những điều hèn hạ, xỉ nhục bản thân đến như vậy?

Nhiều người đã từng đặt ra câu hỏi, không biết biên chế là gì mà người ta cố sống, cố chết để được vào. Thậm chí, chấp nhận “bán thân”, hi sinh cả gia đình và phẩm chất?

Chia sẻ về câu chuyện đáng buồn này, GS.TS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam cho hay: “Cả nữ giáo viên và vị hiệu phó kia đều không xứng đáng đứng trong hàng ngũ sư phạm. Bởi lẽ, họ không đủ tư cách và phẩm chất để dạy học. Ai cũng như họ thì ngành sư phạm có còn là mô phạm?

Nhất là vị hiệu phó kia, hành vi đó là một sự tráo trở, xúc phạm đến nhân phẩm của đồng nghiệp. Nó cũng chứng tỏ sự xuống cấp đạo đức của người thầy.

Nói về câu chuyện “chạy” biên chế, không chỉ ngành giáo dục mà gần như ngành nào cũng người ta cũng “phải xin”, “phải chạy” vào biên chế. Ngay bản thân tôi, công tác lâu năm trong ngành giáo dục, đã từng có người nhờ tôi: “chỉ giúp cháu con đường để “chạy” còn tốn bao nhiêu tiền cháu cũng đã sẵn sàng rồi”.

Nói thế để hiểu rằng, câu chuyện “chạy biên chế”, “xin biên chế” từ lâu đã tồn tại trong vô thức của nhiều người. Và người ta luôn nghĩ rằng, vào được biên chế là phải “chạy””.

 Giáo viên phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ để...vào biên chế (ảnh minh họa)

Nhiều người cho rằng, để cứu vãn lại hình ảnh của người thầy, ngay từ bây giờ chúng ta phải thay đổi tư duy và nhận thức của mọi người về câu chuyện biên chế. Biên chế là để đảm bảo quyền lợi và trả công xứng đáng cho những giáo viên có chuyên môn và phẩm chất đạo đức tốt chứ không dành cho những người có tiền, sẵn sàng đánh đổi mọi thứ để được biên chế.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta trả giáo viên về đúng với vị trí và chức năng của họ, hãy trả công xứng đáng cho những cống hiến của họ.

Trước đó, tại Hội nghị tổng kết năm học 2016 – 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018 được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu của 63 tỉnh thành, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: “Thực trạng là nhiều sinh viên ra trường không xin được việc. Ở địa phương “chạy việc” rất khó, nhiều giáo viên “mai phục” dạy hợp đồng mãi không được vào biên chế là câu chuyện có thật”.