Số hóa

Biểu tượng e-Sport tại Asiad bị đánh giá là 'ít vận động'

Admin

Biểu tượng cho môn thể thao điện tử (e-Sport) lần đầu tiên xuất hiện tại Asiad có dạng một người ngồi trước máy tính.

Asiad 2018 là kỳ Đại hội đầu tiên đưa e-Sport vào tranh tài, do đó ban tổ chức cũng thiết kế một biểu tượng riêng cho bộ môn này với hình ảnh một người đang ngồi trước bàn máy tính cách điệu.

 Biểu tượng game e-Sport tại Asiad năm nay (hình tròn màu trắng).

Cũng chính vì điều này, nó lập tức bị nhận xét là "ít vận động" nếu so sánh với biểu tượng của các bộ môn khác như bóng đá, điền kinh, thể dục nghệ thuật, bóng chày... Tuy nhiên, Cnet cho rằng đây là điều không quá khó hiểu, bởi thực tế khi thi đấu e-Sport, vận động viên cũng ngồi một chỗ.

Bên cạnh đó, nó còn bị ví là chữ tượng hình thay vì là biểu tượng thể thao cấp quốc tế. Khi đọc từ trái qua phải, có thể hình dung được chữ "L" là chiếc máy tính, chữ "i" là đầu và phần trên cơ thể người còn chữ "T" là chiếc bàn để máy tính.

Theo đại diện của Asiad 2018, đây chỉ là biểu tượng sử dụng nội bộ Asiad, không đại diện chung cho bộ môn e-Sport quốc tế.

Ngoài ra, e-Sport cũng "đứng riêng" một website, không có trong danh sách các bộ môn thi đấu trên trang chính thức của Asiad. Bộ môn này cũng không có huy chương.

Lần đầu tiên góp mặt tại một kỳ Asiad, e-Sport sẽ gồm 6 nội dung thi đấu là 6 game nổi tiếng hiện nay, gồm League of Legends (Liên minh huyền thoại), Hearthstone, Pro Evolution Soccer 2018 (PES 2018), Starcraft II, Arena of Valor (Liên quân Mobile) và Clash Royale. Việt Nam sẽ tham gia tất cả các nội dung.

Đại hội thể thao châu Á (Asian Games - Asiad) chính thức khai mạc ngày 18/8. Đây là năm thứ 18 Đại hội diễn ra và Indonesia là quốc gia đứng ra đăng cai, quy tụ hơn 570 vận động viên của hơn 45 quốc gia tham dự.