Xã hội

Bình Liêu (Quảng Ninh): Nỗ lực từng bước xây dựng Nông thôn mới với hơn 98% dân tộc thiểu số

Admin

Thực hiện Đề án 196 của tỉnh Quảng Ninh, đến năm 2020 xã Húc Động, huyện Bình Liêu, Quảng Ninh sẽ ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, nỗ lực xây dựng Nông thôn mới (NTM).

 Hệ thống kênh tưới Nà Lỳ, thôn Nà Ếch đảm bảo lượng nước tưới để phục vụ sản xuất.

Trong khi triển khai Đề án 196, xã Húc Động xác định khó khăn lớn nhất là hệ thống hạ tầng giao thông, kênh mương dẫn nước phục vụ sản xuất của người dân trên địa bàn. Việc huy động người dân đóng góp xã hội hóa đầu tư các dự án hạ tầng, phát triển sản xuất vô cùng khó khăn bởi xã Húc Động có hơn 98% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Hầu hết bà con sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông – lâm nghiệp.

Nhưng với nỗ lực của bà con và chính quyền địa phương, thời gian qua xã Húc Động đã huy động các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng và phát triển sản xuất.

Để cải thiện điều kiện hạ tầng, xã đã huy động các nguồn lực hỗ trợ để từng bước hoàn thiện các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. Tính riêng năm 2017, từ các nguồn vốn xây dựng NTM, Chương trình 135, xã Húc Động đã thi công hoàn thành 10 tuyến đường trục thôn, liên thôn, đường ra khu sản xuất tập trung; Xây dựng nâng cấp 9 công trình đập thủy lợi, kênh mương dẫn nước tưới tiêu.

Các khoản kinh phí đầu tư được địa phương công khai minh bạch, để người dân nắm bắt cụ thể cùng phối hợp giám sát. Bằng cách làm này, các công trình, dư án hỗ trợ của Chương trình 135 do xã đầu tư đã đều hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng phục vụ bà con khá hiệu quả.

Cuối năm 2017, đập dâng và hệ thống kênh tưới Nà Lỳ, thôn Nà Ếch hoàn thành và đưa vào sử dụng trong niềm vui phấn khởi của bà con nơi đây. Anh Lục A Nì, thôn Nà Ếch chia sẻ: Do địa hình núi cao nên gặp khó khăn,nước ít hầu hết ruộng của bà con chỉ cấy được một vụ. Vì vậy, việc sản xuất nông nghiệp trong thôn không có điều kiện phát triển, hiệu quả kém, năng suất thấp. Khi tuyến đường mương hoàn thành, dẫn nước đến từng thửa ruộng của bà con, ai nấy đều rất vui. Từ đây, chúng tôi có thể tăng thêm vụ canh tác, đẩy mạnh sản xuất cây trồng, nâng cao năng suất, từng bước phát triển kinh tế ổn định hơn.

Song song với đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, xã tiếp tục phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội huyện giúp người dân vay vốn phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp cũng như phát triển dịch vụ. Đồng thời, tích cực triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, ưu tiên phát triển các cây trồng có thế mạnh tại địa phương như: Trồng dong riềng, sở, hồ, quế; nuôi trâu, bò, lợn…

Ông Hoàng Xuân Đại - Chủ tịch UBND xã cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh phát triển các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, xã cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của bà con tham gia các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo, đề cao chủ động vươn lên thoát nghèo, phấn đấu sớm được công nhận xã đạt chuẩn NTM.

Với chủ trương đẩy mạnh phát triển nghề sản xuất miến dong, hiện nay xã đã mở rộng diện tích trồng cây dong riềng, khuyến khích các cơ sở sản xuất trên địa bàn đầu tư dây chuyền sản xuất miến dong, đem lại hiệu quả kinh tếm thu nhập ổn định cho người dân. Toàn xã hiện có, 89ha đất trồng dong riềng, sản lượng đạt trên 3.600 tấn củ.

 Mùa thu hoạch dong riềng tại xã Húc Động, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh

Từ việc xây dựng thương hiệu sản phẩm miến dong Bình Liêu đã giúp cho miến dong Húc Động được tiêu thụ tốt, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thu nhập tốt nhờ nghề trồng dong riềng.

Chính từ cách triển khai đồng bộ các giải pháp trong thực hiện chương trình 135, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong xã đã giảm đáng kể. Năm 2017, toàn xã giảm được 93 hộ nghèo, 43 hộ cận nghèo. Hiện tại trên địa bàn xã còn 244 hộ nghèo, chiếm hơn 41%. Mục tiêu xã Húc Động đặt ra là đến hết năm 2018 sẽ giảm thêm ít nhất 130 hộ nghèo, đưa từ 2 - 3 thôn, bản ra khỏi diện 135.

Để hoàn thành những mục tiêu này, xã Húc Động đã xây dựng kế hoạch triển khai Đề án 196 năm 2018, trong đó tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng phục vụ đời sống dân sinh, phát triển kinh tế; Hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập… nỗ lực từng bước sớm được công nhận xã đạt chuẩn NTM.