Kinh tế

Bộ Công Thương bỏ đề xuất điện mặt trời giá 0 đồng

Hậu Nguyễn

Trong lần cập nhật mới của dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công Thương đã bỏ quy định điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới được bán với giá 0 đồng.

Thời gian qua, dự thảo nghị định quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu của Bộ Công Thương nhận được sự quan tâm lớn của nhà đầu tư và dư luận. Trong đó có đề xuất quy định điện mặt trời mái nhà dư thừa phát lên lưới được bán với giá 0 đồng đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Tuy nhiên, hồi cuối tháng 5, trong hồ sơ dự thảo nghị định gửi Bộ Tư pháp thẩm định, Bộ Công Thương đã bỏ đề xuất này.

Theo đó, về đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển điện mặt trời tại Việt Nam theo hình thức tự sản, tự tiêu và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Đối tượng là mái nhà các công trình xây dựng hiện hữu gồm: nhà ở, cơ quan công sở, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh đã được đầu tư, xây dựng theo đúng quy định của pháp luật.

 

Bộ Công Thương bỏ đề xuất điện mặt trời giá 0 đồng. Ảnh minh họa/Solar

Về nguyên tắc, phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu phải bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng với các đối tượng được quy định, không mua bán điện dưới mọi hình thức.

Nếu phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia thì phải có công suất đặt trên 1 MW, phải lắp đặt hệ thống thông tin giám sát công suất từ xa và kết nối thông tin với đơn vị điều độ điện lực tại khu vực để phối hợp giám sát, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia.

Về cơ quan có thẩm quyền cấp và tiêu chí cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển là Sở Công Thương cấp tỉnh.

Đáng chú ý, về quy định chuyển tiếp, các tổ chức, cá nhân có dự án, hệ thống điện mặt trời mái nhà phát triển trước ngày 1/1/2021 (trước khi hết giá FIT) và đang thực hiện bán điện với đơn vị điện lực không được đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu tại cùng địa điểm. Tổ chức, cá nhân phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu sau ngày 31/12/2020 đến ngày nghị định này có hiệu lực phải thực hiện đăng ký phát triển theo đúng quy định.

Quy hoạch phát triển điện lực giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 (quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng phê duyệt, trong đó ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tỉnh tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có không phải nâng cấp.

Như Nhadautu.vn đã đề cập, hiện nay, toàn quốc hơn 103.000 dự án điện mặt trời mái nhà với công suất đạt hơn 9.500 MW, trong đó hơn 50% công suất huy động từ các khu công nghiệp.

Phát triển điện mặt trời mái nhà thời gian qua cũng đặt ra một số khó khăn. Thứ nhất, khó khăn về mặt vận hành. Năng lượng tái tạo vào hệ thống nhiều, nhất là điện mặt trời mái nhà và năng lượng gió, ngành điện đã tính đến dự phòng lớn nhưng có thời điểm vẫn tạo áp lực cho khâu vận hành.

Thứ hai, khó khăn trong công tác quản lý và cơ chế chính sách. Sau khi kết thúc cơ chế giá điện FIT 1 và FIT 2, trong 3 năm qua (2021-2023) chưa ban hành được chính sách cụ thể cho phát triển điện mặt trời mái nhà.