Điều đáng nói quặng manhetit là quặng quy khô, tinh quặng, là sản phẩm đi kèm thu được trong quá trình tuyển quặng đồng. Từ năm 2012, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cấm việc xuất khẩu các loại quặng, nhằm tránh tác động môi trường và cạn kiệt tài nguyên.
Quặng sắt manhetit được doanh nghiệp tại Lào Cai cho là khó bán, đề nghị Bộ Công Thương cho xuất khẩu (ảnh minh hoạ) |
Theo giải thích của Công ty Hoàng Gia - DN có kiến nghị Bộ Công Thương và được chấp thuận cho phép xuất khẩu quặng nói trên, hơn 11.200 tấn tinh quặng sắt manhetit nằm trong gói hợp đồng mua quặng giữa công ty này với Tổng công ty Khoáng sản TKV từ tháng 11/2016 với 30.000 tấn nhưng do việc kinh doanh khó khăn, hai bên đã thanh lý hợp đồng mua quặng, chờ xuất khẩu.
Manhetit là tinh quặng sắt có hàm lượng sắt trên 60%, hàm lượng lưu huỳnh hơn 3%. Sản phẩm này chủ yếu được tận thu để bán cho các nhà máy luyện gang thép. Tuy nhiên, theo lý giải của Hoàng Gia, do manhetit có hàm lượng lưu huỳnh cao có hại cho lò cao nên trong nước khó tiêu thụ. Phía Hoàng Gia đã chào bán cho khách hàng trong nước nhưng không ai mua.
Tại văn bản gửi tỉnh Lào Cai và Công ty Hoàng Gia, Bộ Công Thương đã chấp thuận, cho phép công ty trực tiếp xuất khẩu số quặng sắt nói trên để tháo gỡ khó khăn, tiêu thụ được sản phẩm quặng sát manhetit có hàm lượng lưu huỳnh cao nêu trên.
Cũng tại văn bản nói trên, Bộ Công Thương yêu cầu Công ty Hoàng Gia trong quá trình xuất, nếu có DN trong nước có nhu cầu mua, Hoàng Gia phải ưu tiên bán cho DN trong nước.
Hiện chưa biết công ty Hoàng Gia sẽ bán hơn 11.200 tấn quặng sắt trên cho công ty nào, và xuất đi nước nào, với giá bao nhiêu bởi trong văn bản yêu cầu Bộ Công Thương cho phép xuất khẩu, công ty này không nói rõ đối tác xuất khẩu, mà chỉ xin chủ trương.
Được biết thời gian vừa qua, các DN sắt thép trong nước vẫn sử dụng quặng manhetit để cán phôi thép. Nhiều DN còn chủ động nhập khẩu hoặc trực tiếp khai mỏ để khai thác quặng sắt để phục vụ nhu cầu trong nước, hạn chế nhập khẩu. Năm 2011, Tập đoàn Hòa Phát đã mua hơn 80.000 tấn tinh quặng sắt manhetit của công ty con của Hoàng Anh Gia Lai với giá trị hợp đồng 150 tỷ đồng. Quặng sắt manhetit cũng được Nhà máy thép Thái Nguyên khai thác tại mỏ sắt Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên và được đưa vào sử dụng làm nguyên liệu cho nhà máy sản xuất phôi thép của công ty này.