Xe taxi dán biểu ngữ phản đối Uber và Grab thí điểm tại Việt Nam - Ảnh: Duyên Phan |
Đây là chỉ đạo của ông Trần Quang Lâm, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, tại buổi họp báo khẩn cấp chiều 9-10 liên quan đến việc hàng loạt tài xế taxi dán biểu ngữ phản đối Uber và Grab trên xe taxi.
Vinasun: đề nghị công an điều tra người kích động tài xế
Trước đó, từ sáng sớm 8-10, trên các tuyến đường tại TP.HCM, nhiều người đi đường thấy nhiều xe taxi Vinasun dán biểu ngữ ở đuôi xe với dòng chữ "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật VN". Ngay trong ngày, nhiều tài xế taxi Vinasun đã tháo gỡ biểu ngữ này.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều tài xế taxi Vinasun thừa nhận việc dán biểu ngữ phản đối Uber - Grab tại TP.HCM và cho biết biểu ngữ này là của công ty bởi tài xế không thể tự ý dán biểu ngữ lên xe của công ty. "Chính công ty đã yêu cầu dán biểu ngữ này" - một tài xế Vinasun nói.
Trưa 9-10, ông Tạ Long Hỷ - giám đốc điều hành Vinasun - cho biết lãnh đạo công ty đã họp và yêu cầu toàn bộ lái xe tháo gỡ biểu ngữ phản đối Uber và Grab ngay trong ngày.
Theo đó, các tổ đội quản lý taxi sẽ triệu hồi tài xế để tháo gỡ ngay biểu ngữ trên. Đối với xe taxi đang đưa khách đi tỉnh, trễ nhất là 7h ngày 10-10 cũng phải tháo gỡ xong.
"Trường hợp lái xe không chịu gỡ sẽ mời về công ty làm việc vì đây là lệnh của công ty. Bởi vì Thành ủy và UBND TP đã ghi nhận những ý kiến của công ty rồi nên hãng sẽ đấu tranh bằng biện pháp khác" - ông Hỷ nói.
Trả lời về việc các tài xế khẳng định chính công ty in và đưa biểu ngữ cho tài xế dán, ông Hỷ cho rằng trong đội ngũ tài xế Vinasun cũng có đến vài trăm lái xe của "đối thủ" nên không biết chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, ông Hỷ đã không giải thích rõ "đối thủ" là ai.
Tại buổi họp báo chiều 9-10, ông Tạ Long Hỷ tiếp tục khẳng định công ty không có chủ trương dán biểu ngữ phản đối này mà do các lái xe tự thực hiện.
Theo ông Hỷ, công ty đang nhờ công an hỗ trợ điều tra một số tài xế, tổ chức kích động tài xế của công ty dán biểu ngữ như vậy. Ngoài ra, ông Hỷ cũng đề nghị Bộ GTVT xem xét, đưa ra quy định nghiêm ngặt hơn đối với các loại hình Uber, Grab.
"Các loại hình này cũng phải chịu những quy định như đối với taxi truyền thống thì mới có sự cạnh tranh công bằng" - ông Hỷ nói.
Ông Phạm Đình Thi (vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính): Không ưu ái thuế cho Uber, Grab Chính sách thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải Uber, Grab và với các doanh nghiệp taxi truyền thống là như nhau, không có chuyện không công bằng ở đây. Pháp luật thuế hiện hành áp dụng thống nhất giữa các loại hình doanh nghiệp về mức thuế, điều kiện ưu đãi, chế độ miễn, giảm thuế... Hiện thuế giá trị gia tăng (GTGT) với Uber và Grab là 3%, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) là 2% trên doanh thu được hưởng. Các tổ chức ký hợp đồng vận tải với Uber, Grab có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế GTGT, thuế TNDN trên phần doanh thu được hưởng. Uber và Grab có trách nhiệm kê khai và thu hộ cơ quan thuế đối với các cá nhân ký hợp đồng với hai công ty này, với mức thuế GTGT 3%, thu thuế thu nhập cá nhân là 1,5% trên doanh thu được hưởng. Với taxi truyền thống, thuế GTGT đang áp dụng là 10% nhưng được khấu trừ các chi phí đầu vào như chi phí văn phòng, mua sắm tài sản cố định... Trong 10 doanh nghiệp vận tải có doanh thu lớn tại TP.HCM, chỉ có 3 doanh nghiệp phải nộp thuế GTGT với mức dưới 3% doanh thu, 2 doanh nghiệp phát sinh thuế nhưng được khấu trừ. Những doanh nghiệp khác đều không phát sinh thuế GTGT. Đặc biệt, các doanh nghiệp vận tải tại TP.HCM cũng không phát sinh thuế TNDN phải nộp, hoặc có tỉ lệ nộp thuế TNDN trên doanh thu rất thấp với tỉ lệ nộp chỉ khoảng 0,01-0,06% doanh thu. Ngay cả doanh nghiệp vận tải duy nhất có tỉ lệ nộp thuế TNDN cao là Vinasun cũng chiếm 1,97% doanh thu, tương đương mức thuế khoán của Uber là 2%. L.Thanh |
Cơ quan quản lý chủ động thu thập thông tin
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải khẳng định bộ này đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành thu thập thông tin, điều tra các hành vi dán biểu ngữ phản đối Uber, Grab của một số hãng taxi để xác định đây có phải là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm Luật cạnh tranh hay không.
Theo ông Hải, quy định của Luật cạnh tranh không yêu cầu phải có đơn khiếu nại hay đơn đề nghị của một bên liên quan tới cơ quan chức năng xem xét, điều tra vụ việc.
"Khi có dấu hiệu phản cạnh tranh, vi phạm Luật cạnh tranh trên thị trường, cơ quan quản lý liên quan sẽ được chủ động thu thập thông tin, điều tra để xem xét, kết luận xem liệu có hành vi vi phạm cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp hay không" - ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, Luật cạnh tranh có quy định cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
"Tuy nhiên, việc xác định các hãng taxi có vi phạm quy định này hay không cần có quá trình điều tra, xem xét để có kết luận chính xác" - ông Hải cho biết.
Ông Trịnh Anh Tuấn, phụ trách Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, cũng xác nhận với Tuổi Trẻ về việc đã nhận được chỉ đạo của Bộ Công thương điều tra vấn đề này.
"Chúng tôi đang tiến hành nghiên cứu, xem xét, thu thập thông tin và yêu cầu các bên liên quan giải trình trước khi đưa ra kết luận chính thức về vụ việc" - ông Tuấn cho biết.
Taxi Hà Nội dán biểu ngữ theo chỉ đạo
Ngày 9-10, theo ghi nhận của chúng tôi tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Hà Nội, nhiều xe taxi dán biểu ngữ với các nội dung như "Chúng tôi phản đối kế hoạch thí điểm quyết định 24 của Bộ GTVT có nhiều sai phạm. Yêu cầu dừng ngay việc cấp phù hiệu xe thí điểm vì phá vỡ quy hoạch..." hoặc "50.000 xe thí điểm theo quyết định 24 của Bộ GTVT có doanh thu 18.000 tỉ nhưng chỉ nộp thuế 15,8 tỉ"... Một lãnh đạo Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng việc này xuất phát từ kêu gọi của Hiệp hội Taxi Hà Nội và được các hãng taxi ủng hộ bằng cách in sẵn các đềcan biểu ngữ rồi chỉ đạo lái xe dán vào phía sau xe. Lâm Hoài |