Kinh tế

Bộ Công Thương ủng hộ giảm thuế để giảm giá xăng dầu

Admin

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải vừa cho biết, Bộ Công Thương ủng hộ việc giảm thuế cũng như áp dụng các biện pháp để hỗ trợ kinh tế, ổn định an sinh xã hội.

Sẽ nâng dự trữ lên 1 tháng

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều 16/6, trả lời các câu hỏi của PV Tiền Phong liên quan đến việc “có hay không lỗ hổng trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu khi hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc ở doanh nghiệp từ 30 ngày xuống còn 20 ngày; bổ sung tỉ lệ dự trữ bắt buộc 5 ngày tại các đơn vị phân phối đã kéo theo sự thiếu hụt nguồn cung trong nước?”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian qua cũng bộ đã lập đoàn kiểm tra việc dự trữ tại các doanh nghiệp.

 Nhiều kiến nghị đề xuất giảm thuế để giảm giá xăng, dầu. Ảnh: Như Ý

Theo ông Hải, việc gián đoạn nguồn cung trong nước thời gian qua chủ yếu do tác động từ việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức 55-80% công suất và có lúc phải ngừng sản xuất. Sau khi Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp triển khai các biện pháp đảm bảo nguồn cung, tình trạng thiếu nguồn đã chấm dứt. Tuy nhiên, đến nay, khả năng hoạt động liên tục cũng như đảm bảo cung ứng liên tục trong thời gian tới của Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn vẫn chưa chắc chắn. Bộ đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phải đảm bảo nguồn cung.

“Dự trữ của doanh nghiệp rất quan trọng trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng như hiện nay. Dự trữ đang ở mức thấp và Quốc hội cũng đã biết về việc này”.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Bà Nguyễn Thúy Hiền, Vụ Phó Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nguồn dự trữ quốc gia khá mỏng. Bộ Công Thương đang xây dựng đề án nâng dự trữ xăng dầu quốc gia để lấy ý kiến các cơ quan liên quan trước khi trình Chính phủ và Quốc hội báo cáo chi tiết để nâng mức dự trữ lên. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi phải có lộ trình. Theo đại diện Bộ Công Thương, dự trữ xăng dầu quốc gia ở mức 5-7 ngày là rất thấp nên bộ đề xuất từ nay đến năm 2025 sẽ nâng dự trữ xăng dầu quốc gia lên 1 tháng.

Việc nâng dự trữ lên 1 tháng kết hợp với dự trữ bắt buộc tại doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối sẽ giúp đảm bảo cho nền kinh tế không bị gián đoạn nguồn cung bất ngờ. Ông Đỗ Thắng Hải cho biết, các nước như Úc, Mỹ, Nhật Bản… dự trữ xăng dầu quốc gia của họ đủ dùng cho 90 ngày. Việt Nam cũng đã rất cân nhắc điều đó nhưng phải cân đối tài chính và từng bước nâng dự trữ lên.

Cân nhắc tồn tại của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu

Trước các câu hỏi về việc xem xét vai trò của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu cũng như quan điểm về tiếp tục giảm thuế để giữ giá xăng dầu trong nước không tăng sốc, ông Hải cho rằng, Bộ Công Thương có quan điểm rất rõ về việc giảm thuế bảo vệ môi trường cũng như các loại thuế khác cấu thành nên giá xăng. Giảm thuế bảo vệ môi trường thì dễ nhưng với thuế nhập khẩu thì không dễ như vậy.

Theo ông Hải, hiện nay tại nhiều doanh nghiệp đã có tình trạng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu bị âm. Trong điều hành phải cân nhắc nhiều yếu tố, không lạm dụng quỹ được, vì quỹ âm sẽ ảnh hưởng đến tài chính và hoạt động của doanh nghiệp.

“Quan điểm của tôi là bỏ Quỹ Bình ổn giá để giá vận hành ‘cong ăn cong, thẳng ăn thẳng’ theo giá thế giới. Bộ Công Thương cũng từng đề xuất về việc này. Tuy nhiên, trong điều hành phải cân nhắc nhiều yếu tố. Phải lường trước được tác động của việc bỏ quỹ. Đặc biệt, khi giá thế giới tăng mạnh 4.000 - 5.000 đồng/lít như vừa qua sẽ kéo theo mức tăng sốc, giật cục thì khi đó xử lý thế nào?”, ông Hải nói. Theo ông Hải, để giữ giá xăng dầu cũng có thể tính tới phương án giảm tác động tăng giá thông qua giảm thuế hoặc hỗ trợ an sinh cho người nghèo và tăng hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Tác giả: Phạm Tuyên

Nguồn tin: Báo Tiền phong