Bộ Tài chính vừa báo cáo Thủ tướng về việc rà soát, tích hợp chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội. Theo đó, bộ này đề xuất bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.
Nhằm giảm áp lực cho ngân sách
Tính toán của Bộ Tài chính cho thấy giai đoạn 2011-2014, nhà nước đã hỗ trợ tiền điện cho khoảng 2,3 triệu hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với kinh phí từ ngân sách nhà nước khoảng 8.083 tỉ đồng. Năm 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí khoảng 1.081 tỉ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho khoảng 1,8 triệu hộ nghèo và chính sách xã hội.
Tuy khẳng định chính sách này đã góp phần giải quyết khó khăn về đời sống cho người nghèo có mức tiêu thụ điện thấp, giúp tạo động lực cho nhiều hộ thoát nghèo, song Bộ Tài chính cho rằng đây chỉ là chính sách chỉ thích hợp trong thời gian ngắn, hiệu quả lâu dài còn hạn chế và thiếu tính bền vững.
"Qua thời gian, chính sách này tỏ ra không còn phù hợp với thực tế. Nhà nước cũng đã ban hành khá đầy đủ các chính sách an sinh xã hội với mục tiêu hỗ trợ tốt hơn cho các đối tượng diện hộ nghèo, hộ chính sách. Trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế, đề nghị giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện gắn với đối tượng, địa bàn và thời hạn thụ hưởng nhằm tăng cơ hội tiếp cận chính sách và khuyến khích sự tích cực, chủ động tham gia của người nghèo và cân đối nguồn lực trung hạn cho các chính sách giảm nghèo, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các chính sách tạo sinh kế…" - Bộ Tài chính nêu quan điểm.
Do đó, Bộ Tài chính đề xuất bãi bỏ chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội, hoặc có phương án tích hợp chính sách hỗ trợ tiền điện trong thời gian tới. Cụ thể là tích hợp vào chính sách giảm nghèo bền vững 2016-2020, bao gồm hỗ trợ về giáo dục, y tế, nhà ở, xây dựng hạ tầng…
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, đề xuất nêu trên của Bộ Tài chính có điểm hợp lý. Bởi lẽ, ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp, không thể "bao đồng" quá nhiều việc mà phải tính toán chi hợp lý, hiệu quả, có tác động lâu dài. Ngoài ra, theo ông Long, an sinh xã hội là chính sách lớn của Đảng và nhà nước. Trong đó, quan điểm được nêu ra là hỗ trợ hộ nghèo cần trao cho họ "cái cần câu" chứ không nên hỗ trợ bằng "con cá". "Hỗ trợ không có động lực thì người ta không vươn lên được. Trong khi đó, đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân thông qua quy định bậc thang sử dụng điện thấp được hưởng giá rẻ, thông qua bù giá điện cùng nhiều chính sách khác rồi" - ông Long nói.
Thanh toán tiền điện tại ngân hàng. Ảnh: TẤN THẠNH |
Còn rất nhiều hộ cần hỗ trợ
Tuy vậy, phần lớn ý kiến tỏ ra không đồng tình khi Bộ Tài chính muốn cắt hỗ trợ phần tiền điện ít ỏi cho hộ nghèo, hộ chính sách chỉ vì lý do "giúp nhà nước tiết kiệm được nguồn kinh phí sự nghiệp hằng năm".
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đúng là nếu bỏ "cho không" tiền điện cho hộ nghèo thì mỗi năm nhà nước tiết kiệm được khoảng 1.000 tỉ đồng. Song, con số 1.000 tỉ đồng không phải là quá lớn nếu so sánh với rất nhiều khoản chi khác của ngân sách, như chi tiền lương, đầu tư lãng phí… Thực tế, 1.000 tỉ đồng còn nhỏ hơn số tiền đầu tư một dự án "đắp chiếu" hiện nay.
"Nếu ngừng hỗ trợ, ngân sách nhà nước có thêm nguồn lực để bố trí vốn, kinh phí thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội khác. Đây là quan điểm không sai. Nhưng trên thực tế, số hộ nghèo, hộ chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa… còn rất lớn. Nhờ chính sách ưu đãi này, họ mới có điện để thắp sáng, để học hành. Nếu cắt đi, nhiều người trong số họ có thể không có điện để dùng, thậm chí còn ảnh hưởng đến mục tiêu phổ cập giáo dục" - chuyên gia Nguyễn Minh Phong nêu quan điểm.
Ông Phong cũng cho rằng nếu trong trường hợp phát hiện cách thức hỗ trợ bằng tiền mặt không hiệu quả, không bền vững, các cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện phải tìm cách làm tốt hơn, tránh thất thoát. Trong đó, đặc biệt lưu ý, nếu tích hợp chính sách hỗ trợ này vào các chính sách khác thì phải bảo đảm đến được tay người dân, tránh hỗ trợ "ảo".
PGS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và phát triển - Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (Hà Nội), nhận định với thực tế khi chuẩn nghèo thay đổi, đối tượng thụ hưởng chính sách ưu đãi này rộng hơn, gánh nặng ngân sách quá lớn thì việc xem xét, rà soát lại hỗ trợ tiền điện là cần thiết. Tuy nhiên, con số tiết kiệm được lại quá nhỏ, không có nhiều ý nghĩa nếu so sánh với ý nghĩa hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận điện năng, có đời sống bảo đảm hơn. "Cắt hỗ trợ để ngân sách có thêm vài ngàn tỉ đồng thì không thể ủng hộ. Có những dự án lớn lãng phí hàng ngàn tỉ đồng chưa giải quyết được. Mỗi năm, có hàng chục dự án đầu tư mới không triển khai hiệu quả, âm vốn. Nếu cần thiết, nên giải quyết vấn đề ngân sách từ những điểm còn tồn đọng đó chứ không phải cắt hỗ trợ với đối tượng cần được hỗ trợ" - ông Đào nói.
Góp ý thêm, ông Đào cho rằng chính sách an sinh xã hội khác như giáo dục, y tế... khác với chính sách ưu đãi giá điện, không thể gộp vào làm một bởi vì, sử dụng điện là nhu cầu thiết thực và trực tiếp. "Cần xem xét lại cách thức hỗ trợ để người nghèo thật sự được hỗ trợ, cắt bỏ hoàn toàn là không nên. Tôi chỉ lưu ý rà soát là đúng đối tượng thụ hưởng, tránh hỗ trợ sai đối tượng, gây bất bình đẳng" - ông Đào lưu ý.