Khoảng những năm 1980, Bộ đội biên phòng Nghệ An phát hiện một tộc người lạ sinh sống giữa vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (Con Cuông - Nghệ An). Phải rất khó khăn, bộ đội mới có thể tiếp cận được với nhóm người này và khơi gợi nhiều câu chuyện ly kì từ chính những “già làng” của họ.
Tộc người Đan Lai có nguồn gốc từ người Kinh, chủ yếu là dòng họ La. Theo tương truyền, dòng họ này vốn ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Vì ghen tị với sự giàu có của dòng họ, bạo chúa Hoa Quân đã buộc họ phải tìm cho ra 100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái đem cống nộp, nếu không sẽ thảm sát tất cả.
Bản Búng, nơi cư trú của đồng bào Đan Lai thượng nguồn sông Giăng. (Ảnh: nld) |
Sợ bị giết hại, cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi. Họ chạy mãi, khi đến thượng nguồn sông Giăng (huyện Con Cuông), nơi không còn nghe thấy tiếng người thì mới dám dừng chân định cư và hình thành tộc người Đan Lai ngày nay.
Theo nhiều nhà nghiên cứu dân gian, chính cuộc chạy trốn bất đắc dĩ này đã khiến tộc người cách ly với đời sống xã hội. Họ rơi vào cảnh bần cùng, khốn khó giữa chốn rừng thiêng, nước độc. Để tồn tại và duy trì nói giống của mình, những người con dòng họ La buộc phải quay trở lại kiếp sống hái lượm của thời hồng hoang.
Dân số ở tộc người Đan Lai chỉ khoảng 3000. |
Về cái tên Đan Lai, “Đan” là ý muốn chỉ tộc người xuất phát ở làng Đan Nhiệm, còn “Lai” mang ý nghĩa là mọi thứ, kể cả con người, tiếng nói, phong tục đều đã bị “lai tạp”. Đây là lý do giải thích vì sao tiếng nói của tộc người này là một thứ thổ âm lai tạp giữa Mường - Việt ngữ cổ. Bị cách biệt với thế giới bên ngoài hàng trăm năm nên họ dần hình thành những phong tục, lối sống rất khác lạ.
Đẻ ngồi
Do quan niệm “trời sinh voi trời sinh cỏ” nên người Đan Lai sống phóng khoáng như núi rừng, cỏ cây. Mỗi cặp vợ chồng cưới nhau từ khi mới 13-14 tuổi nên bình quân họ có từ 4 đến 6 người con, cá biệt có cặp vợ chồng sinh tới 13 đứa con.
Người Đan Lai lấy vợ, lấy chồng rất sớm. (Ảnh: nld) |
Dân số ít ỏi khiến cho những chuyện như con cháu trong cùng dòng họ lấy nhau, sinh con đẻ cái không phải là chuyện xa lạ. Đến ngày chuyển dạ, một mình họ phải vào rừng “vượt cạn”, đẻ trong tư thế ngồi tại một cái chòi tạm giữa rừng.
Đứa trẻ vừa lọt lòng mẹ, dù nắng mưa, sương gió, dù giá rét căm căm, người mẹ vẫn phải mang con xuống dòng nước Khe Khặng tắm 3 lần. Đứa trẻ nào có thể sống sót vượt qua 3 lần tắm ấy, dù cho da dẻ tím tái, khóc lóc ngặt nghẽo thì mới được mang về nhà nuôi.
Cưới lại lần hai
Phần lớn phụ nữ Đan Lai tảo hôn nên khoảng 3 năm sau khi cưới đợt một, các cặp cô dâu chú rể mới đủ tuổi đăng ký kết hôn và làm lễ cưới lại lần hai.
Tập tục cưới lại của người Đan Lai cũng rất tốn kém. Sau khi ông mối, bà mối đồng ý, nhà trai nộp cho nhà gái khoảng 3 triệu đồng, một vòng bạc và đôi vòng đồng cùng 4 con gà sống.
Trong lễ cưới lần hai bắt buộc phải có đầu lợn. Khi mọi người xẻo hết thịt trên đầu lợn ăn thì người phụ nữ Đan Lai mang bộ xương đầu lợn đặt lên bàn thờ để thờ. Trong quá trình thờ, mọi người không được cất đầu lợn mà phải để cho chuột hay gió cuốn đi. Khi đó người phụ nữ mới được về nhà chồng.
Tục ngủ ngồi
Tộc người Đan Lai có tập tục lạ lùng là không bao giờ ngủ nằm. Tục ngủ ngồi ăn sâu vào máu thịt từ người già đến trẻ con, trở thành thói quen của tất cả mọi người.
Già, trẻ, trai gái của tộc người Đan Lai đều ngủ ngồi. (Ảnh: vietnamnet) |
Những già làng giải thích, tục ngủ ngồi xuất phát từ việc phải thường trực ý thức trốn chạy thật nhanh nếu bị quan quân chế độ phong kiến vây bắt. Đó cũng là cách để giúp họ hàng ngày chống chọi với muông thú hoang dã đang rình rập. Lâu dần thành thói quen, cho đến tận bây giờ, ngủ ngồi đã thành một tập tục của tộc người Đan Lai.
Người chết chỉ được đóng khố
Khi chết người Đan Lai không được mặc quần áo, chỉ đóng khố, không dùng hòm vỏ để chôn cất. Theo họ, việc khâm liệm người quá cố bằng hòm gỗ là sai lệ làng và khi xuống cõi âm, người đó sẽ không được tổ tiên chấp nhận.
Người Đan Lai quan niệm “chết là hết”, bởi vậy việc tổ chức tang ma hết sức đơn giản, không có việc cúng bái rình rang và cũng không có truyền thống tổ chức lễ giỗ hàng năm. Trước khi đưa người đã khuất đi chôn, người Đan Lai phải thực hiện nghi thức chia của. Họ quan niệm, của cải trong nhà phải chia đều cho nhau, trai cũng như gái, kể cả đối với người đã khuất.