Kinh tế

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Quản lý vốn ODA bộc lộ nhiều hạn chế, chưa rõ trách nhiệm

Lợi Trần

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, việc Chính phủ vay ODA sau đó cấp phát lại đã bộc lộ nhiều hạn chế, việc phân cấp quản lý ODA giữa các bộ ngành phần nào còn chưa rõ trách nhiệm và chồng chéo.

Tại buổi làm việc với ông Jean Noel Poirier - Đại sứ Cộng hòa Pháp chiều 27/5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá, trong những năm gần đây, Pháp là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong khối các nước EU. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước trong năm 2015 đạt hơn 4 tỉ USD. Bộ trưởng hy vọng, trong năm 2016, kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ giữ vững đà tăng trưởng của năm 2015 và đạt giá trị cao hơn nữa.

Bộ trưởng và Đại sứ Pháp đều nhất trí cho rằng, là một trong những nhà đầu tư lớn nhất của EU vào Việt Nam, tuy nhiên, đầu tư của Pháp vào Việt Nam vẫn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của hai nước. Đồng thời mong muốn thúc đẩy hơn nữa việc thu hút đầu tư nước ngoài của Pháp vào Việt Nam.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Chia sẻ về chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Việt Nam vào tháng 9/2016, ông Jean-Noel Poirier mong muốn hai nước sẽ tăng cường hợp tác nhằm xây dựng các Dự án cụ thể để có thể ký kết ngay trong khoảng thời gian chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp.

Đánh giá cao sự hỗ trợ từ nguồn vốn vay của Chính phủ Pháp dành cho Việt Nam, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, các khoản vay đó đã giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đối với một số lĩnh vực quan trọng như năng lượng, bưu chính viễn thông, cấp nước, y tế, giao thông vận tải, khí tượng thủy văn, viễn thám, thủy đạc, nông nghiệp...

Bộ trưởng cảm ơn Chính phủ Pháp đã hỗ trợ và thực hiện thành công Dự án VNREDSat 1, đối với Dự án VNREDSat 2 Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đàm phán, đảm bảo tính pháp lý đối với các khoản vay cho Dự án.

Bộ trưởng cũng cho rằng nếu có thể đi đến thống nhất đối với các điều khoản và dự án được ký kết trong dịp Tổng thống Cộng hòa Pháp sang thăm Việt Nam thì đây sẽ là một trong những sự kiện vô cùng ý nghĩa.

Tại buổi tiếp bà Jehanne Roccas - Đại sứ Vương quốc Bỉ cũng trong chiều 27/5, Bộ trưởng cho biết, Bỉ là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam (là thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam vào khu vực Châu Âu). Tính đến tháng 11/2015, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 2,1 tỷ USD, trong đó trị giá xuất khẩu đạt gần 1,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1,8% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Đến tháng hết năm 2015, Bỉ có 63 dự án với tổng số vốn đầu tư đăng ký là 551 triệu USD, đứng thứ 26/101 nước và vùng lãnh thổ có FDI vào Việt Nam.

Quan hệ đầu tư, thương mại giữa hai nước còn nhiều tiềm năng, trong thời gian tới, Bộ trưởng Dũng mong bà Đại sứ là cầu nối thúc đẩy hơn nữa việc thu hút đầu tư nước ngoài của Bỉ vào Việt Nam cũng như có tiếng nói với Chính phủ Bỉ để hỗ trợ, khuyến khích các nhà đầu tư Việt Nam vào Bỉ.

Bà Jehanne Roccas bày tỏ sự tin tưởng khi Chính phủ Bỉ luôn coi Việt Nam là trọng tâm đối với các khoản vay ưu đãi ODA. Bà cũng cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp và ngân hàng của Bỉ đang sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như bàn thảo về việc triển khai các dự án hợp tác tại Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, nguồn vốn ODA từ các nước, trong đó có Cộng hòa Pháp và Vương quốc Bỉ đã góp phần giúp cho Việt Nam phát triển đồng bộ về hạ tầng, nâng cao đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, việc Chính phủ vay ODA sau đó cấp phát lại đã bộc lộ nhiều hạn chế, việc phân cấp quản lý ODA giữa các bộ ngành phần nào còn chưa rõ trách nhiệm và chồng chéo.

Do đó, cần có sự điều chỉnh nhằm khắc phục những tồn tại trong việc quản lý và sử dụng vốn ODA, hướng tới việc sử dụng hiệu nhất, tiết kiệm nhất nguồn vốn ODA. Bên cạnh đó cũng là để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả sử dụng từ các bộ, ngành và địa phương, góp phần làm thay đổi nhận thức để từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA - đây có lẽ cũng là mong muốn của các nước cho vay ODA, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Tác giả bài viết: Bích Diệp