Kinh tế

“Bóng ma” lạm phát có đang thực sự trở lại?

Lợi Trần

Sự tăng tốc của CPI trong 6 tháng đầu năm 2016 đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% theo Nghị quyết của Quốc hội. “Thủ phạm” được các chuyên gia xác định là do các quyết định hành chính đã đẩy chỉ số giá giáo dục và y tế tăng cao.

Không phải Brexit, lạm phát mới là rủi ro đối với tỷ giá

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2016 tại Việt Nam đã tăng 0,46% so với tháng 5/2016 tăng 2,35% so với tháng 12/2015 và tăng 2,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Sự tăng tốc của CPI trong 6 tháng đầu năm 2016 đã dẫn đến một số lo ngại về khả năng đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% theo Nghị quyết của Quốc hội.

 

Toàn cảnh hội thảo về diễn biến giá cả, thị trường diễn ra sáng 7/7


Mục tiêu lạm phát có thể bị phá vỡ nếu không kiểm soát tốt cung tiền

Phát biểu tại một hội thảo về diễn biến giá cả, thị trường 6 tháng đầu năm 2016 diễn ra sáng nay (7/7) tại Hà Nội, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra dự báo trong 6 tháng cuối năm 2016, công tác quản lý, điều hành giá sẽ đối mặt với nhiều thách thức.

Cục Quản lý giá lưu ý đến sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công như y tế và giáo dục theo lộ trình thị trường, chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.

Đại diện Bộ Công Thương - ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước – cũng nhận định, trong thời gian tới, những vấn đề về chính trị và nhu cầu thực tế tại nhiều nước trên thế giới sẽ tiếp tục tác động tới giá dầu mỏ, khí đốt và ảnh hưởng đến giá các mặt hàng nguyên vật liệu khác.

Bên cạnh đó, thời tiết chuẩn bị vào mùa mưa bão nên có thể sẽ có hiện tượng tăng giá cục bộ tại một số địa phương.

Tuy nhiên, ông An cũng đưa ra phân tích, do nguồn cung hàng hóa được chuẩn bị tốt, công tác phòng chống thiên tai vẫn được các địa phương quan tâm, việc điều chỉnh giá một số loại dịch vụ Nhà nước quản lý đã được các bộ ngành liên quan đưa ra phương án hợp lý; một số mặt hàng nông sản như lúa gạo vào vụ thu hoạch, phân bón, vật liệu xây dựng vào thời kỳ nhu cầu sử dụng không cao…nên giá hàng hóa sẽ khó tăng đột biến.

Đại diện Bộ Công Thương dự báo, CPI tháng 7 tăng tương đương mức CPI tháng 6.

Tại hội thảo, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, dù mức lạm phát 6 tháng đầu năm còn thấp và cách khá xa mục tiêu kiểm soát, song đây vẫn là một biến số khó lường và đòi hỏi cẩn trọng trong điều hành.

Cụ thể, theo ông Long, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt, trong nửa sau khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá… Bên cạnh đó, giá cả nhập khẩu tính bằng USD tăng so với các tháng trước cũng là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ đến chỉ số CPI.

Trong bối cảnh đó, chuyên gia Ngô Trí Long lo ngại, rất nhiều khả năng mục tiêu lạm phát không quá 5% của năm 2016 sẽ bị phá vỡ nếu không kiểm soát chặt lượng cung tiền ra của nền kinh tế.

“Nhà điều hành không thể chủ quan và vẫn phải rất quan tâm đến lạm phát, đặc biệt là chính sách tiền tệ tiếp tục phải gắn với ổn định vĩ mô. Phải chỉnh sửa một số điều trong Thông tư 36, tức là cần cẩn trọng với nguy cơ hứng khởi quá đà của thị trường bất động sản, của thị trường tài chính và cẩn trọng với rủi ro có thể về thanh khoản”, ông Long khuyến nghị.

Theo ông Long, nếu với sự điều hành thận trọng, dự báo tốc độ lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở mức khoảng 4,2%.

Tuy nhiên, vị chuyên gia không loại trừ việc lạm phát năm 2016 sẽ vượt qua mức mục tiêu 5% do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tố ngoại sinh như thị trường thế giới và biến đổi khí hậu gây xáo trộn trên thị trường lương thực, việc Anh rời EU… và nội sinh như khả năng kiểm soát cung tiền của Ngân hàng Nhà nước và biến động của tổng cầu.

Nếu không tính quyết định hành chính, có nguy cơ giảm phát

Ở một góc nhìn khác, Tiến sĩ Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính (Học viện Tài chính) lại cho rằng, sự tăng tốc của chỉ số CPI trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do việc tăng giá các dịch vụ y tế bằng quyết định hành chính.

Trong 6 tháng qua, chỉ số giá thuốc và dịch vụ y tế đã tăng 26,39 và với tỷ trọng 5% trong rổ hàng hóa CPI, mức tăng này đóng góp khoảng 1,32 điểm phần trăm vào mức tăng chung là 2,35%. Nếu trừ đi các yếu tố này, ông Độ cho biết, CPI 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng khoảng 1% và một phần không nhỏ là do giá dầu phục hồi.

Như vậy, theo nhận định của ông Độ, lạm phát hiện nay vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân chủ yếu do tổng cầu còn chưa mạnh và tăng trưởng kinh tế chưa đạt được tiềm năng.

“Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 5% trong năm 2016 gần như là chắc chắn sẽ đạt được, bởi mức độ tăng giá của các dịch vụ y tế và giáo dục hoàn toàn do Nhà nước kiểm soát 100%”, vị chuyên gia khẳng định.

Cũng theo TS. Nguyễn Đức Độ , do tăng trưởng kinh tế là yếu tố có tính quyết định đến tốc độ lạm phát trong trung - dài hạn, nên với thực trạng GDP trong 6 tháng đầu năm 2016 chỉ tăng 5,52%, lạm phát cao trong thời gian tới sẽ chưa thể xảy ra, nếu loại trừ mức tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục. Hơn nữa, lạm phát so với cùng kỳ năm trước, sau khi loại trừ mức tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục) có thể đạt đỉnh vào tháng 7-8/2016 và sau đó sẽ bắt đầu xu hướng giảm.

Trong vòng 12 tháng tới, lạm phát so với cùng kỳ năm trước (sau khi loại trừ mức tăng giá dịch vụ y tế và giao dục) được dự báo sẽ chỉ xoay quanh mức 1% như hiện nay.

Trong dài hạn, lạm phát chưa thể tăng cao vì tăng trưởng kinh tế còn bị cản trở bởi nhiều yếu tố, đặc biệt là tình trạng nợ công, nợ xấu vẫn còn cao dẫn đến lãi suất khó giảm. Hơn nữa, trong bối cảnh môi trường tín dụng có nhiều rủi ro các ngân hàng thương mại có thể sẽ hạn chế cho vay và chỉ tập trung vào những khách hàng tốt và chịu được lãi suất cao.

“Nếu tăng trưởng kinh tế trong những năm tới chỉ ở mức 6,2%/năm, lạm phát trung bình giai đoạn 2016-2018 được dự báo chỉ ở mức 0-1% (không tính điều chỉnh giá bằng biện pháp hành chính), tức là nguy cơ rơi vào giảm phát là không nhỏ”, ông Độ đưa ra nhận định.

Bích Diệp

Tác giả bài viết: Bích Diệp