Giáo dục

Các địa phương vùng lũ chủ động tinh giản chương trình dạy học

Admin

Trên cơ sở hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD-ĐT, các địa phương khu vực miền Trung sẽ chủ động điều chỉnh chương trình dạy học phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục.

Do mưa lũ, ngành giáo dục ở khu vực miền Trung bị thiệt hại nặng nề, nhiều địa phương học sinh đã phải nghỉ học đến 24 ngày. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cho biết, trên cơ sở các văn bản hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ các địa phương sẽ chủ động điều chỉnh chương trình dạy học phù hợp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục.

 Nước lũ rút để lại bùn ngập sâu cả mét trong sân trường. Học sinh nhiều địa phương miền Trung chưa thể đi học lại.

Theo Bộ GD-ĐT, Chương trình khung kế hoạch năm học mà Bộ đã ban hành có 2 tuần dự phòng cho các trường hợp bất thường xảy ra như thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, khi xảy ra “bão chồng bão, lũ chồng lũ” ở các tỉnh miền Trung, có những những địa phương học sinh đã nghỉ học tới 24 ngày, ảnh hưởng đến kế hoạch học tập. Với những địa phương đã sử dụng hết quỹ thời gian dự phòng mà vẫn chưa đủ thời gian để học sinh nghỉ học ở nhà chống lũ thì phải tính toán điều chỉnh kế hoạch giáo dục.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin: "Bộ đã có thư công tác gửi địa phương để địa phương căn cứ văn bản hướng dẫn của Bộ để hướng dẫn nhà trường điều chỉnh kế hoạch giáo dục, sao cho đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình. Nếu như bình thường, Bộ đã có văn bản hướng dẫn tinh giản chương trình, thì lúc đó hướng dẫn tinh giản chương trình ở văn bản 3280 vẫn đủ thì giờ để thầy cô tổ chức dạy học cho tốt. Nhưng bây giờ, đối với các trường nghỉ dài thì các nhà trường cũng phải căn cứ vào văn bản hướng dẫn tinh giản chương trình này để có thể giảm bớt thì giờ học tập để thức hiện chương trình cho các em".

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Thành, các địa phương phải căn cứ khung thời gian năm học, cộng thời gian thực tế học sinh đã nghỉ học để điều chỉnh kế hoạch giáo dục của trường, cũng như tổ chức dạy bù cho học sinh. Kế hoạch dạy bù cần tính toán phù hợp để học sinh được học nhẹ nhàng, tránh trình trạng dồn ép, đảm bảo học sinh tiếp thu được các kiến thức cơ bản, đồng thời có kế hoạch củng cố kiến cho học sinh sau đợt nghỉ do mưa lũ. Các trường cũng cần xây dựng kế hoạch dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục linh hoạt, không gây quá tải cho học sinh.

 

"Trước đây, chúng ta vẫn để 35 tuần thì chúng ta có nhiều thì giờ hơn cho học sinh đổi mới phương pháp dạy học và trải nghiệm. Bây giờ, chúng ta bị bó buộc về mặt thời gian, thì nội dung chương trình đã được tinh giản, so với 35 tuần đã giảm bớt đi rồi, thì các địa phương, các nhà trường vận dụng tinh thần này có thể thực hiện thời gian ở trường ít hơn, những nội dung bài học thực hiện ngoài khuôn viên nhà trường thì có thể hướng dẫn các em thông qua internet, trên truyền hình tương tự thời gian nghỉ học vì dịch COVID-19", ông Thành cho biết thêm.

Trên thực tế, hiện các địa phương như Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn các trường điều chỉnh kế hoạch dạy học để hoàn thành chương trình cũng như đảm bảo chất lượng dạy và học./.

Tác giả: Minh Hường

Nguồn tin: Báo VOV