Cho ý kiến dự án luật sáng 11/4, UB Thường vụ Quốc hội còn khá nhiều băn khoăn về quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý.
Bộ phận cán bộ có tài sản đang rất… nghe ngóng!
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định nêu quan điểm về việc xử lý tài sản bất minh của cán bộ |
Phương án được Chính phủ chọn là cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân, quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.
Đặt câu hỏi thế nào là giải trình hợp lý, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định phân tích nếu có một tài sản được kê khai là do đời bố để lại, truy tiếp thì là do đời ông để lại mà thời đó chưa có tài khoản cá nhân thì làm sao chứng minh được?
Phải tính toán kỹ để quy định có tính khả thi nếu không thì mất lòng tin với nhân dân, ông Định nhận xét.
Cho rằng cần phải có cái nhìn tổng thể, phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam, ông Định so sánh: kinh nghiệm thế giới thì người ta không giao dịch tiền mặt, có tài khoản cá nhân, cho tặng nhau tài sản đều có bằng chứng, ta thì cho nhau cứ trao tay thôi.
Nghiêng về phương án được Chính phủ chọn song ông Định nói rõ không tán thành quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng mà cứ để luật thuế quy định cụ thể.
Phân tích của ông Định nhận được sự đồng tình của một số đại biểu khác.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải thì không thể dùng thuế thu nhập cá nhân để điều tiết mà phải áp thuế tài sản.
Cũng quan tâm xử lý tài sản bất minh, Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng nhấn mạnh là cử tri rất ủng hộ phải có biện pháp mạnh mẽ. Nhưng cũng còn một bộ phận có tài sản nhất định thì đang nghe ngóng xem luật quy định như thế nào để ứng xử cho phù hợp, trong đó có việc đầu tư cho con đi học nước ngoài, đi chữa bệnh nước ngoài..
"Phải xử lý thế nào để vừa chống được tham nhũng mà đồng tiền có trong nước không chạy ra nước ngoài, ta vay nước ngoài vài triệu thì cảm ơn lên cảm ơn xuống, nhưng kinh nghiệm đã có thời kỳ quá cứng nhắc thì tiền chạy ra khỏi nước ta vô cùng nhiều", ông Dũng lo ngại.
Ông Dũng cho biết, về cơ bản cũng ủng hộ phương án đánh thuế, vì chứng minh hợp lý hay không hợp lý rất khó.
"Sau kỳ thứ 5 thì còn một kỳ họp Quốc hội nữa mới thông qua, phải tính toán kỹ để chống tham nhũng nhưng đừng mất tiền của của đất nước, của nhân dân", ông Dũng nhấn mạnh lại quan điểm.
Nửa khoá đã 7-8 đại biểu bị bãi nhiệm
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phát biểu tại phiên thảo luận |
Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thì cần quan tâm đến việc thẩm tra bản kê khai tài sản.
Hiện nay khi đọc hồ sơ nhân sự được giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì đại biểu làm sao mà biết được họ kê khai tài sản đúng hay sai, có thực tế là cán bộ không nghèo nhưng kê khai rất nghèo, ông Phúc nói.
Vì thế ông Phúc cho rằng cần có cơ quan thẩm tra độc lập một cách tương đối để biết được việc kê khai tài sản đúng sai thế nào.
Ông Phúc xót xa: “Kể cả ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội cũng cần có thẩm tra sơ bộ về kê khai tài sản chứ để bầu rồi lại bãi nhiệm thì không hay chút nào. Khoá này có đến 7-8 đại biểu bị bãi nhiệm, đau xót lắm”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng khi bầu cử và bổ nhiệm thì bắt buộc phải kê khai tài sản. Nhưng với quy định như tại dự thảo luật thì khó có thể tìm được tài sản bất minh vì không thể xác minh được tài sản "lẩn" trong con cái đã thành niên, họ hàng thân thích.
Hiện nay các bản kê khai chỉ thể hiện tài sản hợp pháp, thậm chí thấp hơn thu nhập thực tế và tài sản hiện có, nếu không quy định rộng hơn thì khó có thể phát hiện được tham nhũng, ông Chiến góp ý.