Họ "mát ruột" cũng đúng thôi, bởi thực tế bao năm qua có rất nhiều công viên đã, đang bị "xẻ thịt" với nhiều mục đích khác nhau. Các công viên lẽ ra chỉ nên là nơi tập thể dục, nghỉ ngơi, thư giãn cho người dân thì nay phải gánh vác thêm nhiệm vụ làm trụ sở, bãi giữ xe. Thậm chí, các ông bà chủ nhà hàng, quán cà phê coi công viên như là một lợi thế kinh doanh để tìm cách nhảy vào buôn bán. Rồi mỗi năm, các công viên lại phải oằn mình ra để làm nơi tổ chức cho các hội chợ, triển lãm để rồi sau đó bị tổn thương bởi sự xô bồ và vô ý thức của người tham gia. Và điều đáng nói là, nhiều hội chợ, triển lãm được tổ chức chỉ vì lợi nhuận chứ không hề mang lại tri thức hay văn hóa.
Công viên 23 Tháng 9 sẽ không còn cảnh bê-tông, bãi xe thi nhau đánh chiếm như thế này sau "tối hậu thư" của UBND TP HCM |
Không cần điều tra, chỉ cần đi lướt một vòng TP thì ai cũng có thể thấy Công viên Lê Văn Tám từ lâu đã trở thành nơi tổ chức các hội chợ, triển lãm về ẩm thực, sách; Công viên Gia Định tổ chức hội chợ về đồ gỗ;… Đáng nói, gần như các vụ "xẻ thịt" công viên đều được sự đồng thuận của đơn vị chủ quản dù người dân và báo chí luôn "miệng" ca thán "lá phổi xanh" của TP đã teo tóp lắm rồi.
Rõ ràng, hình ảnh công viên bị xà xẻo khiến người dân bức xúc nhưng không biết phản ánh với ai hoặc những phản ánh đó rơi vào thinh không. Và rồi, TP chỉ đạo di dời những công trình bê-tông khô cứng đang bành trướng trong Công viên 23 Tháng 9 giúp người dân thấy như được "cởi tấm lòng".
Theo đó, người dân bắt đầu hy vọng TP sẽ có thêm những "tối hậu thư" nữa để những công viên đang bị "xẻ thịt" được trả lại cái vẻ bình yên vốn có của nó. Hy vọng và mong ước của người dân TP hoàn toàn chính đáng, bởi một đô thị hiện đại không chỉ là những tòa nhà cao chọc trời mà ở đó cần có những công viên lưu giữ lại hồn đô thị gắn với sự hình thành và phát triển của TP.