Pháp luật

Cần "quản" chặt việc nuôi nhốt, gây nuôi động vật hoang dã

Lợi Trần

Hai năm gần đây, công tác quản lý nuôi nhốt, gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh đã được các ngành chức năng và chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ. Tuy nhiên, ở một số cơ sở nuôi, gây nuôi các cá thể động vật hung dữ như: hổ gấu theo quy mô hộ, ở phạm vi nhỏ lẻ, nếu quản lý không tốt sẽ xảy ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt có thể gây nguy hiểm tới tính mạng con người.

Năm 2005, gia đình bà Nguyễn Thị Tri, xóm Thị Tứ, xã Quang Thành, Yên Thành nuôi 4 cá thể gấu. Năm 2010, theo quy định, gấu nuôi đều phải được gắn chíp để thuận lợi trong công tác quản lý, theo dõi của cơ quan chức năng và nghiêm cấm việc lấy mật phục vụ mục đích kinh doanh nên bây giờ bà Tri chỉ nuôi làm cảnh. Trong khi đó, chuồng trại chật hẹp, lâu ngày hoen rỉ, không đảm bảo an toàn, rất nguy hiểm cho người chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày. Bà Tri nói: Trong quy trình cho ăn hàng ngày rất khó khăn, với các loại thức như tằm, đậu tằm, ngô, gạo, cám, trứng thịt... phải đảm bảo thì gấu mới chống chọi được với khí hậu, thời thiết, tránh được bệnh tật.
 

Bà Tri giờ chủ nuôi gấu với mục đích làm cảnh, trong điều kiện chuồng trại chật hẹp, hoen rỉ.

Dự án vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn, được xây dựng trên diện tích hơn 6ha tại xã Diễn Lâm, Diễn Châu. Tuy nằm cách xã khu dân cư, nhưng chuồng nuôi nhốt 24 cá thể hổ được xây dựng trên triền núi, nền đất yếu rất dễ bị sạt lở khi có sự cố về thiên tai, mưa bão làm hư hỏng chuồng trại, hàng rào bảo vệ; và không ai có thể lường trước được mức độ nguy hiểm của các loài động vật hung dữ khi bị sổng ra ngoài.

Ông Nguyễn Sỹ Quyết – Phó Giám đốc Công ty TNHH Bạch Ngọc Lâm cho biết: Nuôi nhốt động vật hoang dã phải đảm bảo điều kiện không gian sống thoải mái để phát triển đúng với tập tính sinh học của động vật hoang dã; từ đó, đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân chăm sóc và khách tham quan.


24 cá thể hổ được nuôi nhốt ở Vườn động vật sinh thái Hòn Nhạn xây trên triền núi, nền đất yếu rất dễ bị sạt lở khi có sự cố về thiên tai.

Cũng trên địa bàn xã Diễn Lâm, Diễn Châu, vườn thú thuộc khu du lịch sinh thái Mường Thanh vừa nuôi, vừa gây nuôi các loài thú quý hiếm, trong đó có các loài thú dữ, với hình thức nuôi bảo tồn bán hoang dã. Tuy nhiên, nếu quản lý không tốt sẽ xảy ra tình trạng buôn bán động vật hoang dã trái phép, đặc biệt nơi đây có một lượng khách lui tới tham quan thường xuyên nên có thể gây nguy hiểm tới con người nếu không có các biện pháp bảo vệ an toàn và có hướng dẫn viên theo sát.
 


Vườn thú thuộc khu du lịch sinh thái Mường Thanh vừa nuôi, vừa gây nuôi các loài thú quý hiếm, trong đó có các loài thú dữ, với hình thức nuôi bảo tồn bán hoang dã.

Đến nay, toàn tỉnh có 38 hộ, trại nuôi động vật hoang dã, hơn 1 ngàn cá thể, trong đó có gần 10 hộ, trại, nuôi, gây nuôi động vật hoang dã như ; gấu, hổ sư tử, rắn hổ mang với gần 780 cá thể. Số lượng không lớn, tuy nhiên, không ít người dân chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về nuôi nhốt động vật hoang dã. Liên quan đến vấn đề này, ngày 17/10/2016 UBND tỉnh đã có Công văn chỉ đạo thực hiện giải pháp cấp bách bảo vệ động vật hoang dã; theo đó, các cấp, ngành chức năng phối hợp đồng bộ, thực hiện rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các hoạt động buôn bán các loài động vật nguy cấp, quý hiếm.

Tác giả bài viết: Huy Cung