Còn 10 hộ chưa di dời
Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex là chủ đầu tư dự án tòa nhà Matexim Hải Phòng Plaza tại số 20 Trần Phú, phường Máy Tơ, quận Ngô Quyền. Dự án được UBND TP Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu ngày 30/1/2011, Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi lần thứ nhất ngày 30/5/2019.
Khu nhà làm việc 3 tầng và gara ô tô tại số cũ 7 Trần Phú (số mới 20 Trần Phú), diện tích xây dựng 286 m2. Ảnh: Hải Yến |
Trong quá trình triển khai dự án, Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex đang gặp phải một số khó khăn về công tác giải phóng mặt bằng, khi một số hộ dân không chịu di dời.
Theo văn bản đề nghị hỗ trợ của Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex gửi Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, khu đất số 20 Trần Phú trước đây thuộc quản lý của Công ty Xuất nhập khẩu súc sản và gia cầm Hải Phòng (tên cũ là Chi nhánh xuất nhập khẩu súc sản gia cầm Hải Phòng).
Hiện trạng dự án. Ảnh: Hải Yến |
Ngày 8/4/1987, Công ty Xuất nhập khẩu súc sản và gia cầm Hải Phòng được cấp giấy phép xây dựng số 44/UBXD, xây dựng nhà làm việc 3 tầng và gara ô tô tại số cũ 7 Trần Phú (số mới 20 Trần Phú), diện tích xây dựng 286 m2.
Từ năm 1994 đến năm 1998, Công ty Xuất nhập khẩu súc sản và gia cầm Hải Phòng đã phân phối cho cán bộ, nhân viên công ty 22 phòng làm việc để ở tạm, phục vụ cho công việc sản xuất kinh doanh.
Ngày 28/3/2005, Công ty Xuất nhập khẩu súc sản và gia cầm Hải Phòng được UBND TP Hải Phòng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 2.046 m2.
Đến năm 2011, Công ty CP Matexim Hải Phòng liên doanh với Công ty Xuất nhập khẩu súc sản và gia cầm Hải Phòng thành lập Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex để thực hiện dự án tòa nhà Matexim Hải Phòng Plaza, và được UBND TP giao đất.
Cũng trong năm 2011, phía Công ty đã thu hồi lại các căn phòng trên để thực hiện dự án. 12 hộ dân đã nhận tiền hỗ trợ và di dời. Còn 10 hộ dân không hợp tác, không chịu di dời nên dự án đến nay vẫn chưa triển khai được.
Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex đã tiến hành khoan tường một số hộ đã di dời. Ảnh: Hải Yến |
Thực hiện Công văn số 691/VP-DDC2, ngày 23/4/2022 của UBND TP Hải Phòng, đại diện Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex cùng cán bộ địa chính phường Máy Tơ và tổ dân phố số 10 đến làm việc với 10 hộ dân chưa chịu di dời. Các hộ dân này đang sử dụng 11 căn phòng tại nhà làm việc 3 tầng của Công ty.
Trong 10 hộ dân chỉ có 5 hộ đang ở tại khu nhà 3 tầng và không phải cán bộ, nhân viên của Công ty. Các hộ dân chưa cung cấp được giấy tờ có liên quan đến quyền sử dụng những căn phòng trên. Họ nhận đây là nhà ở hợp pháp của mình và yêu cầu đền bù với giá cao hơn giá nhà ở hợp pháp tại khu vực này. Do đó, việc giải quyết phương án thỏa thuận, hỗ trợ với các hộ dân chưa thể thực hiện được.
Cần phương án thỏa đáng
Thời gian gần đây, một số hộ dân “kêu cứu” về việc Công ty cho người đến phá dỡ căn hộ để lấy lại mặt bằng làm dự án, gây ảnh hưởng đến kết cấu tòa nhà, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt. Các hộ cho rằng việc Công ty chưa thống nhất được phương án đền bù thỏa đáng mà đã tháo dỡ là sai và họ sẽ chuyển đi nếu nhận được phương án đền bù hợp lý.
Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Uyên - Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án khẳng định, tài sản nhà làm việc 3 tầng thuộc quyền quản lý của Công ty Xuất nhập khẩu súc sản và gia cầm Hải Phòng, được thể hiện tại hồ sơ kiểm toán xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần. Nay tài sản này thuộc quyền quản lý của Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex do Công ty CP Xuất nhập khẩu súc sản và gia cầm Hải Phòng đã góp vào thành lập Công ty CP Matexim Hải Phòng – Animex thực hiện dự án tòa nhà Matexim Hải Phòng Plaza, chứ không phải tài sản riêng của bất kỳ cá nhân nào.
Sau hơn 10 năm dự án vẫn không thực hiện được do chưa có mặt bằng sạch. Ảnh: Hải Yến |
Ông Hoàng Văn Uyên thông tin thêm, khi vận động các gia đình bàn giao lại căn hộ, Công ty đã đưa ra phương án hỗ trợ cho hộ dân nào có giấy tờ được phân nhà 1 căn hộ giá trị tương đương, và hỗ trợ chi phí di dời. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 2 hộ (1 hộ có quyết định phân nhà và 1 hộ không có quyết định) không đồng ý phương án hỗ trợ.
Thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục thoả thuận với các hộ dân, tạo sự đồng thuận bàn giao những căn hộ còn lại để thực hiện Dự án đã được duyệt. Trong trường hợp những yêu cầu của các hộ dân bất hợp lý, không phù hợp với thị trường, Công ty vẫn sẽ tiến hành lấy lại đất đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp. Các hộ dân không thấy hợp lý có thể chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện ra toà.
Liên quan đến vụ việc, ông Trần Đức Duy - Phó phòng Quản lý đô thị quận Ngô Quyền cho biết, từ năm 2012 đến nay, Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex đã nhiều lần vận động các hộ dân còn lại di dời để thực hiện Dự án. Ngày 28/6/2022 và ngày 18/7/2022, UBND quận đã chủ trì cùng Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức họp tuyên truyền, vận động các hộ dân phối hợp bàn giao căn hộ. Tuy vậy, các hộ dân không hợp tác, không đồng ý phương án hỗ trợ của Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex.
"Sau khi rà soát hồ sơ, phía quận nhận định đây là khu nhà làm việc 3 tầng chứ không phải khu tập thể để bố trí cho hộ dân ở. Tuy nhiên, việc bố trí cho cán bộ, công nhân viên vào ở là thỏa thuận giữa công ty và nhân viên của họ. Thực chất, khi cấp nhà cho công nhân viên chỉ là ở tạm để phục vụ cho công việc.
Tuy nhiên, để các hộ dân đồng thuận bàn giao lại căn hộ triển khai thực hiện dự án toà nhà Matexim Hải Phòng Plaza, UBND quận Ngô Quyền đã có văn bản đề nghị UBND TP chỉ đạo Công ty CP Matexim Hải Phòng - Animex khẩn trương thoả thuận, có phương án hỗ trợ các gia đình, cá nhân đang sinh sống tại khu nhà 3 tầng di dời” - vị này cho hay.
Theo ông Quang Anh - Địa chính phường Máy Tơ cho biết: "Trước sự việc trên, UBND phường đã tổ chức nhiều cuộc họp nhưng chưa đạt được kết quả. Trong quá trình hòa giải để đảm bảo quyền lợi của các hộ dân đang sinh sống tại đó, chúng tôi đã mời các hộ dân lên làm việc, phía doanh nghiệp cũng đã đưa ra đơn giá hỗ trợ nếu các hộ dân di dời nhưng họ chưa đồng ý. Do thẩm quyền của UBND phường có hạn nên chỉ có thể dừng ở mức hòa giải".
Phóng viên đã nhiều lần liên lạc với một số hộ dân nhưng không nhận được phản hồi.
Tác giả: Vĩnh Quân - Hải Yến
Nguồn tin: Báo Kinh tế và Đô thị