Nhiều hãng ứng dụng công nghệ gọi xe từ nước ngoài đã chính thức ra mắt tại thị trường Việt Nam như Go-Jek (Indonesia), Aber (do nhóm kỹ sư người Việt tại Đức sáng lập), MVL (Singapore)… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước cũng đang triển khai dịch vụ này. Như vậy, hãng Grab không còn ở vị thế độc quyền sau khi Uber rút khỏi thị trường Việt Nam và cuộc cạnh tranh khốc liệt mới bắt đầu.
Grab phải giảm mức chiết khấu
Đại diện các hãng MVL, Go-Viet của Go-Jek, Aber… đều xác nhận không thu chiết khấu từ tài xế. Đây sẽ là thách thức lớn với Grab, khi hãng này từ cuối năm ngoái đã đẩy mức chiết khấu từ 20% lên 23,6% dành cho tài xế gia nhập trước ngày 1-10-2017, sau ngày này sẽ tăng lên 28,6%. Tuy nhiên, trước sự ra đời ồ ạt của nhiều hãng triển khai dịch vụ này đã làm cho Grab phải thay đổi, giảm mức chiết khấu còn 20% như trước đây.
Hoạt động kinh doanh taxi sẽ cạnh tranh gay gắt khi hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước triển khai ứng dụng công nghệ gọi xe Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Go-Viet là tên gọi tại thị trường Việt Nam của Go-Jet, công ty cung cấp ứng dụng công nghệ kết nối đa dịch vụ được phát triển từ Go-Jet ở Indonesia. Go-Viet đã mở rộng hoạt động ứng dụng công nghệ gọi xe ôm tại 12 quận ở TP HCM. Trong giai đoạn khởi đầu, khách hàng sử dụng dịch vụ Go-Viet được hưởng nhiều ưu đãi. Khách đi cự ly ngắn từ 8 km trở xuống chỉ thanh toán 5.000 đồng. Từ tháng 9 tới, Go-Viet sẽ tiến hành triển khai dịch vụ chính thức với giá cước ưu đãi hơn các hãng khác đang hoạt động. Hãng này hiện có 3.000 xe cung cấp dịch vụ kết nối đặt xe hai bánh Go-Bike và giao hàng Go-Send; sắp tới sẽ có thêm dịch vụ kết nối vận tải, giao nhận, giao đồ ăn và thanh toán điện tử.
Mới đây, thêm ứng dụng công nghệ gọi xe là Fast Go thuộc Công ty Nexttech Group, đơn vị chuyên cung cấp giải pháp thanh toán. Đây được xem là lợi thế dành cho Fast Go, thừa hưởng nền tảng công nghệ vững chắc, cùng mạng lưới đối tác với hàng chục ngàn DN và hàng triệu người dùng có sẵn của hệ sinh thái Nexttech.
Hãng này cũng đã triển khai thí điểm từ tháng 6 vừa qua với đầy đủ dịch vụ FastCar, FastTaxi, FastLuxury (dòng xe hơi hạng sang). Hãng cam kết không tăng cước trong giờ cao điểm, không thu chiết khấu tài xế, chỉ với một mức giá dành cho FastCar là 7.900 đồng/km, khách đi xe còn được mua bảo hiểm. Hiện hãng này đã có mặt tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Sắp tới sẽ triển khai tiếp tại các tỉnh, thành khác, đến năm 2020 sẽ có mặt khắp các tỉnh, thành.
Doanh nghiệp trong nước không ngại cạnh tranh
Đến thời điểm này, Vato (ứng dụng công nghệ gọi xe của DN trong nước) đã thu hút hơn 10.000 ôtô và xe hai bánh. Vato đang trong tiến trình hoàn thiện. Với Vato, mức cước đối với xe ôm là 3.600 đồng/km, ôtô 8.500 đồng/km. Ứng dụng của Vato còn cho phép khách hàng trả giá với tài xế.
Tập đoàn Mai Linh cũng đã triển khai dịch vụ Mai Linh Bike với cam kết chỉ thu 15% chiết khấu với tài xế. Mức cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2 km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo và cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm. Mai Linh Bike hiện có hơn 10.000 người đăng ký hoạt động. Hãng taxi này cho biết tài xế tham gia hoạt động được 6 tháng được mua bảo hiểm. Hiện có hàng trăm người đăng ký tham gia Mai Linh Bike mỗi ngày.
Ông Nguyễn Văn Sang, sáng lập T.Net, cho biết đến thời điểm này, T.Net đã có 17.000 xe đăng ký. Hồi đầu năm, số tài xế thường xuyên hoạt động trên hệ thống T.Net không nhiều như mong muốn. Tuy nhiên gần đây, số tài xế thường xuyên hoạt động đã tăng mạnh, lên gấp 2-3 lần so với trước.
Tương tự, ông Hàng Bá Trí, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Phần mềm Go-ixe, nhìn nhận ứng dụng của đơn vị đang phát triển tốt với gần 10.000 xe, trong đó hơn 60% xe thường xuyên hoạt động. "Hằng tháng, Go-ixe đều nâng cấp phần mềm nên ứng dụng hoạt động trơn tru" - ông Trí nói.
Các ứng dụng gọi xe trong nước đều tỏ ra tự tin khi cạnh tranh với các đối thủ đến từ nước ngoài. Ông Sang nhận định: "T.Net đã hoạt động cùng lúc với Grab, Uber nhưng vẫn đủ sức phát triển. Nay Uber rút lui thì không có lý do gì phải e dè với các đối thủ nước ngoài. Họ mới đến thì làm sao nắm rõ thị trường như DN trong nước".
Taxi truyền thống tiếp tục kiến nghị Dự thảo thay thế Nghị đinh 86 của Bộ Giao thông Vận tải về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô đang gây bức xúc cho các hãng taxi truyền thống. Trước đây, dự thảo định đưa taxi công nghệ vào quản lý như taxi truyền thống vì bản chất hoạt động của loại hình Grab không khác taxi truyền thống nên cần có những quy định tương đồng nhằm tạo sân chơi công bằng. Tuy nhiên, gần đây lại có thông tin là xếp taxi công nghệ vào nhóm xe chạy hợp đồng. Các hiệp hội taxi Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng cho rằng Grab hoạt động như taxi nhưng lại không được quản lý như taxi, tạo môi trường cạnh tranh bất bình đẳng khiến các hãng taxi truyền thống lâm vào tình trạng khó khăn. Việc xây dựng nghị định sửa đổi nhằm quản lý các loại hình kinh doanh taxi công nghệ và tháo gỡ rào cản pháp lý cho DN kinh doanh taxi truyền thống. Việc không có khung pháp lý điều chỉnh phù hợp, Grab sẽ tiếp tục thao túng thị trường vận tải taxi trong nước. Một xe được cấp phù hiệu taxi thì không thể đồng thời có phù hiệu xe hợp đồng, như vậy sẽ gây bất ổn trong hoạt động vận tải hành khách. Theo các hãng taxi truyền thống, việc đưa Grab vào diện xe hợp đồng thì cũng như lâu nay. Xe hợp đồng với xe taxi khác nhau, trong khi Grab lại hoạt động như taxi. Để công bằng, theo các hiệp hội taxi, là Grab phải chịu sự quản lý như taxi truyền thống, tức phải gắn hộp đèn taxi, niêm yết mức cước trên thân xe để mọi người biết, tài xế bắt buộc phải khám sức khỏe định kỳ… |