Trong nước

“Cấp phép phổ biến” bài Tiến quân ca: Sai lầm phải bị xử lý!

Admin

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, việc “cấp phép phổ biến rộng rãi” bài hát Tiến quân ca của Cục Nghệ thuật biểu diễn là một sai lầm cần phải xử lý trách nhiệm đơn vị liên quan, sau đó công bố rộng rãi để nhân dân, cử tri được biết.

Ngày 23/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho biết, ông cảm thấy ngạc nhiên và hơi bất ngờ khi tiếp nhận thông tin "Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến rộng rãi bài hát Tiến quân ca" và nhiều bài hát quen thuộc khác.

Theo ông Phạm Tất Thắng, việc cơ quan quản lý thực hiện giải pháp nghiệp vụ là việc bình thường, nhưng khi cho phổ biến nhiều bài hát vốn đã rất quen thuộc của tác giả cách mạng, đã được nhân dân hát mấy chục năm nay, thì rõ ràng có vấn đề về mặt quản lý.

 Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng việc "cho phổ biến rộng rãi" bài Tiến quân ca là không bình thường.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cho rằng, Tiến quân ca là bài hát đã trở thành tài sản chung của đất nước, của dân tộc, được gia đình nhạc sĩ có nghĩa cử hiến tặng cho đất nước. “Quan trọng nhất là trong Hiến pháp đã khẳng định giá trị bài hát Tiến quân ca rồi thì có cần cơ quan cấp cục "cấp phép phổ biến" như vậy không? Hay như bài Như có Bác trong ngày đại thắng là tiếng reo vui gắn với hình ảnh vị lãnh tụ thiên tài của chúng ta mà bây giờ mới được cấp phép lưu hành?”, đại biểu Thắng nói.

Trước việc Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép phổ biến bài Tiến quân ca, đại biểu Thắng đặt ngược lại vấn đề: Cả dân tộc mấy chục năm qua đã “hát chui”?

“Những bài hát của các tác giả được giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, trong đó có những bài hát như tôi vừa nói thì liệu có cần được cấp phép?”, ông Thắng đặt vấn đề.

Theo ông Thắng, khi cơ quan quản lý ban hành quyết định thì phải cân nhắc nhiều mặt vì nó liên quan đến văn hoá, nhân văn, thậm chí về mặt chính trị.

Đại biểu Phạm Tất Thắng cũng cho hay, các cụm công trình của các tác giả đạt giải thưởng phải qua Hội đồng thẩm định cấp quốc gia có uy tín và quy trình chặt chẽ hơn nhiều so với việc thẩm định một cách hành chính của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Do vậy, theo ông Thắng, điều cần quan tâm là tác nghiệp của Cục Nghệ thuật biểu diễn trong chức năng nhiệm vụ và nguồn lực có hạn thì xử lý như thế nào cho phù hợp.

Theo đại biểu Phạm Tất Thắng, việc “cấp phép phổ biến rộng rãi” bài hát Tiến quân ca của Cục Nghệ thuật biểu diễn là một sai lầm ảnh hưởng đến dư luận xã hội nên cần kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan. “Nếu là sai phạm của cá nhân, do năng lực trình độ, trách nhiệm thì phải có xử lý phù hợp, phải công bố rộng rãi với nhân dân, cử tri”, đại biểu Phạm Tất Thắng nêu rõ quan điểm.

Liên quan vấn đề trên, trao đổi với báo chí, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng băn khoăn không hiểu việc "cấp phép" của Cục Nghệ thuật biểu diễn với bài hát Tiến quân ca là như thế nào?

Theo đại biểu này, bản chất của việc cấp phép là để một ca khúc được biểu diễn, bảo đảm tính chính trị, không lưu hành ca khúc độc hại hoặc là để bảo đảm bản quyền. Còn với bài hát Tiến quân ca, đây đã là tài sản quốc gia. Đại biểu đưa dẫn chứng cụ thể trong Khoản 3 điều 13 Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ Quốc ca của Việt Nam là nhạc và lời bài Tiến quân ca. “Vậy mà còn cần phải cấp phép nữa hay sao?”, đại biểu đặt vấn đề.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Cục Nghệ thuật biểu diễn phải trả lời câu hỏi tại sao Hiến pháp đã quy định rồi lại còn phải cấp phép? Việc cấp phép này nhằm mục đích gì?

“Đây là tài sản quốc gia đã được công nhận. Việc làm này vi phạm pháp luật chứ không còn là lạm quyền nữa”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cương quyết nói.

Tác giả: Quang Phong

Nguồn tin: Báo Dân trí