Pháp luật

Câu hỏi sau vụ Châu Việt Cường: Ma túy đá từ đâu?

Admin

Trước hiện tượng nhiều người dùng ma túy đá gây nên những hậu quả nghiêm trọng, vị ĐBQH đã đặt câu hỏi về việc ngăn chặn chất cấm này.

Thời gian qua xảy ra không ít các trường hợp dùng ma túy đá dẫn đến ngáo đá và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Đặc biệt mới đây vụ việc ca sĩ Châu Việt Cường nhét tỏi vào miệng thiếu nữ dẫn đến tử vong sau khi dùng ma túy đá như hồi chuông cảnh báo tới các bạn trẻ đang sử dụng ma túy đá hiện nay.

Trước sự việc trên, ĐB Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bình luận: "Sự việc ca sĩ Châu Việt Cường gây ra đã làm cho những người dân, đặc biệt Fan hâm mộ của Cường rất ngạc nhiên, thậm chí tạo cho họ sự hụt hẫng.

Sự việc xảy ra còn thể hiện một vấn đề hết sức quan trọng, đó là lối sống của bộ phận giới trẻ, bộ phận không nhỏ có lối sống xa hoa, trụy lạc, không có sự quản lý, xem thường pháp luật, bản thân muốn gì thì hành sự đó...

Thậm chí đó còn là sự băng hoại về đạo đức của giới trẻ và giới văn nghệ sĩ nên dẫn tới việc Cường manh động thiếu suy nghĩ nhét tỏi vào người bạn của mình. Đó là chuyện không thể nào chấp nhận được".

 Khu tập thể và căn hộ - nơi xảy ra vụ án Cường nhét tỏi vào miệng bạn gái sau khi sử dụng ma túy đá.

Tuy nhiên, điều mà vị ĐBQH băn khoăn hơn cả là việc tiếp cận ma túy đá quá dễ dàng. Ông Hòa cho rằng, việc phòng chống tệ nạn ma túy và ma túy đá đã được thực hiện rất quyết liệt nhưng không biết nguồn ở đâu mà giới trẻ họ vẫn dễ dàng tìm mua.

Thậm chí cơ quan chức năng cũng bắt giữ, xử lý vi phạm theo đúng pháp luật tuy nhiên tình hình này vẫn chưa thuyên giảm.

"Nguồn ma túy tồn tại ở Việt Nam qua nhiều đường, nhiều hướng khác nhau. Việc quản lý tình trạng này chưa chặt chẽ, có nhiều trường hợp lực lượng chức năng không phát hiện được để xử lý.

Ở nước ta những loại chất kích thích đó chưa sản xuất được nên chắc chắn những hàng đó chỉ tuồn ra qua những con đường biên giới, hay đường sông, đường biển" -ông Hòa nói.

Trước thực trạng trên, ông Hòa đề nghị, trong công tác ngăn ngừa phòng ngừa ma túy và ma túy đá, phải quyết liệt truy tìm truy bắt, đặc biệt những người chứa chấp tàng trữ phải xử lý rất nặng để răn đe những trường hợp tương tự. Trong công tác tuần tra biên giới cần có sự tăng cường, đặc biệt sự nghiêm minh trung thực, quán triệt không được tiếp tay cho những hành vi sai phạm.

"Theo tôi nghĩ cũng có thể có một sự tiếp tay của ai đó nên mới dẫn đến thực trạng hàng hóa vào Việt Nam được. Bằng chứng bằng việc thời gian qua cơ quan chức năng đã xử lý đối tượng nội bộ tiếp tay buôn bán những loại chất kích thích đó" - vị ĐBQH thẳng thắn.

Bày tỏ ý kiến trước thực trạng này, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội lưu ý thêm: "Thực tế cho thấy vấn đề làm giảm tình trạng buôn lậu hiệu quả vẫn chưa cao nên nhiều loại ma túy vẫn tuồn vào và tồn tại ở Việt Nam.

Thứ hai, việc xử lý với hành vi sử dụng ma túy chưa nghiêm, vẫn chỉ coi người ngáo đá là bệnh. Việc sử dụng ma túy được coi như bệnh chứ không phải vi phạm pháp luật. Điều này không công bằng với việc coi việc uống rượu bia say là tình tiết tăng nặng khi vi phạm".

Bên cạnh đó ông Những cũng cho rằng việc quản lý của cơ quan chức năng lỏng lẻo nên dẫn tới tình trạng giới trẻ tiếp xúc quá nhiều và quá sớm, quá dễ dàng với ma túy đá.