Kinh tế

Cha đẻ dưa thỏi vàng miền Tây để 2 tháng chưa hư kể chuyện

Lợi Trần

Dưa hấu thỏi vàng có chữ nổi là trái cây chưng Tết, có giá bán tại vườn khoảng 3 triệu đồng một cặp và để được trong 2 tháng chưa hư.

Ông Trần Thanh Liêm (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), người nghiên cứu tạo ra dưa hấu thỏi vàng, cho biết tổng diện tích của gia đình ông hiện là 6.000 m2, cho thu hoạch trung bình khoảng 300 cặp dưa mỗi năm. Với giá bán trung bình 3 triệu đồng một cặp, ông thu về khoảng 900 triệu đồng mỗi năm.

Vào những năm được mùa, trong tổng số dưa đặt khuôn, số đạt chất lượng chiếm khoảng 35%, tương đương 450 cặp dưa. Nhưng năm nào gặp thời tiết khắc nghiệt, đặc biệt là mưa nhiều thì số dưa chỉ đạt 14% trong tổng số dưa hấu đã đặt khuôn tạo hình. 

 

Dưa hấu thỏi vàng có chữ nổi để chưng Tết mua tại vườn khoảng 3 triệu đồng một cặp. Ảnh: Ngọc Trinh.


“Năm nay, thời tiết khắc nghiệt hơn nên sản lượng dưa hấu thỏi vàng sẽ giảm so với năm trước. Giá mua tại vườn không đổi nhưng giá bán ra thị trường có thể tăng, ở mức khoảng 5-6 triệu đồng/cặp”, ông Liêm cho biết.

Để nghiên cứu ra loại trái cây chưng Tết này, ông phải mất hơn 2 năm với số tiền bỏ ra gần 700 triệu đồng, trồng thử nghiệm trên diện tích 500 m2. Đồng thời, ông Liêm trồng song song dưa hấu bình thường, lấy lãi nuôi ước mơ dưa hấu thỏi vàng.

 

Khó khăn nhất là khâu tạo khuôn để cho ra dưa hấu hình dạng như mong muốn. Lõi để tạo ra một chiếc khuôn có giá 70 triệu đồng. Thời gian đầu, dưa hấu trồng ra không đạt chất lượng hoặc khuôn bị vỡ tốn rất nhiều chi phí.

Sau hơn 2 năm tìm tòi thử nghiệm, năm 2004, ông Liêm đưa sản phẩm đầu tiên vào thị trường với giá bán ban đầu ở mức khá cao khoảng 4,5 triệu đồng một cặp. Những năm trước đây, dưa của ông có hình vuông in chữ Nho, hình thỏi vàng in chữ "Tài, Lộc" và dưa hình trái tim in bản đồ Việt Nam. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, ông tập trung vào mẫu dưa thỏi vàng.

Cách chăm sóc dưa hấu thỏi vàng cũng khác hoàn toàn so với dưa thông thường. Để dưa bảo quản được lâu, màu đậm và không có đốm, ông Liêm chỉ bón lót một lần khi trồng bằng phân hữu cơ, không bón theo từng giai đoạn như thông thường. Đặc biệt, hạn chế tối đa việc dùng phân hóa học vì dễ làm dưa bị hư khi mở khuôn do dư nước và quả sẽ không đậm màu.

 
 
Mỗi năm, vườn dưa 600 m2 của ông Liêm cho thu hoạch khoảng 300 cặp dưa hấu thỏi vàng đạt chất lượng. Ảnh: Ngọc Trinh.

Một quả dưa bình thường có trọng lượng khoảng 4,5 kg, khi đưa vào khuôn quả nặng khoảng 2,5 kg. Khuôn tạo hình thỏi vàng có chữ nổi sẽ được lắp vào khi dưa ra quả được 3-5 ngày. Quả đạt chất lượng sẽ bảo quản được hơn một tháng, có quả để được đến 2 tháng mà không có dấu hiệu bị hỏng.

Khách hàng tìm đến cơ sở ông chủ yếu là người có thu nhập khá, những người đi công tác và mua về làm quà cho bạn bè, người thân. Cơ sở của ông còn phân phối cho siêu thị Big C tại TP.HCM.

Thị trường tiêu thụ nhiều nhất là Hà Nội, nhưng muốn có hàng thì thường người mua phải đặt trước 2 tháng. Vào vụ cao điểm, ông Liêm phải thuê 14 công nhân để làm kịp giao hàng. Nhằm hút khách hơn, năm nay, ông Liêm đầu tư làm khuôn thêm nhiều chữ mới và kiểu dáng chữ cũng đẹp hơn.

 “Mỗi năm chỉ có một vụ trúng dịp cuối năm để chưng Tết, tôi thường phải chia đều ra cho các nơi đặt hàng, tránh trường hợp chỗ đặt nhiều, chỗ không có. Nhưng tôi cũng phải từ chối một số đơn đặt hàng vì không đủ dưa đáp ứng hết”, ông Liêm chia sẻ.

 Dưa hấu được đưa ra thị trường Hà Nội vào khoảng 22 tháng Chạp, còn tại TP.HCM sẽ vào 24 tháng Chạp. Hiện trên thị trường có nhiều nơi sản xuất loại dưa thỏi vàng này để chưng Tết, nhưng nguồn gốc và chất lượng thì không thể kiểm định bằng mắt thường.

Ông Liêm cho biết thêm cơ sở của ông đã đăng ký độc quyền kiểu dáng công nghệ cũng như dán nhãn trên mỗi quả dưa. Tuy nhiên, tình trạng nhái nhãn hiệu vẫn xảy ra và khó kiểm soát.

Tác giả bài viết: Phạm Oanh

Nguồn tin: