Tin địa phương

Chậm giải ngân tiền hỗ trợ thuê nhà trọ công nhân: Lãnh đạo Hải Phòng nhận trách nhiệm

Admin

Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng Lê Khắc Nam nhận trách nhiệm khi chậm giải ngân tiền hỗ trợ người lao động thuê nhà tại buổi làm việc với đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh dẫn đầu, ngày 26-8.

 Ông Lê Khắc Nam, phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng, nhận trách nhiệm khi TP chậm giải ngân - Ảnh: TIẾN THẮNG

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hải Phòng, UBND TP mới ban hành quyết định hỗ trợ thuê nhà cho 20.898/91.519 lượt người lao động, đạt 22,83%.

Lo trục lợi vì thủ tục đơn giản?

Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho hay thủ tục hỗ trợ tiền thuê nhà đơn giản khiến nhiều cán bộ có tâm lý lo ngại không thẩm định chặt chẽ có thể dẫn tới trục lợi chính sách. Ngoài ra, thời gian tiếp nhận hồ sơ để thẩm định ngắn, nhu cầu kinh phí gấp nên dự kiến nhu cầu chưa sát thực tế.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chờ để làm gộp 2-3 tháng/lần nhằm giảm bớt thủ tục khi nộp hồ sơ. Do đó, cuối tháng 6, đầu tháng 7, các doanh nghiệp mới bắt đầu rà soát, làm các thủ tục đề nghị hỗ trợ.

Ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho rằng cần thận trọng trong việc thẩm định hồ sơ vì một số cơ quan, đơn vị tinh giản biên chế nên việc thẩm định trong 2 ngày "rất áp lực".

"Riêng cá nhân tôi, tất cả các hồ sơ trình lên thì không quá 2 tiếng đồng hồ sẽ giải quyết ngay để triển khai. Tuy nhiên, dù sao vướng mắc để chậm giải ngân thì trách nhiệm cá nhân tôi và TP xin nhận khuyết điểm trước đoàn công tác", ông Nam nói.

Những ngày tới, Hải Phòng sẽ tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ và chi tiền sớm cho người lao động, đồng thời tránh việc gian lận, trục lợi chính sách.

Chia sẻ khó khăn của TP Hải Phòng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhấn mạnh với vị thế là vùng kinh tế trọng điểm, tổ chức công đoàn và ban ngành trên địa bàn cần chung tay vào cuộc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói thuê nhà.

Ông đề nghị UBND TP Hải Phòng chỉ đạo Sở Tài chính ứng trước cho các địa phương để doanh nghiệp khẩn trương chi trả bên cạnh cơ chế giám sát doanh nghiệp đã có tiền nhưng chậm chuyển tới tay người lao động.

Ưu tiên "hậu kiểm"

 Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị gắn trách nhiệm cho doanh nghiệp, người lao động để đẩy nhanh tiến độ giải ngân hỗ trợ thuê nhà - Ảnh: GIA ĐOÀN

Trước đó, ngày 25-8, đoàn công tác của BộLĐ-TB&XH đã làm việc tại Bắc Ninh - nơi có tỉ lệ giải ngân rất thấp.

Tại đây, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhận định các tỉnh thành như Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh có số lượng lao động trong khu công nghiệp rất lớn nên đóng vai trò quan trọng trong thực hiện quyết định 08, bên cạnh TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai tại khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, việc triển khai của Bắc Ninh khá cầu toàn khi có nhiều yêu cầu về hồ sơ trong khi phải triển khai cho khoảng 159.000 lao động với kinh phí hơn 197 tỉ đồng. Lấy hình ảnh "nắm người có tóc" làm ví dụ, thứ trưởng cho biết chính quyền có thể thanh tra, kiểm tra, truy trách nhiệm của doanh nghiệp, tức là ưu tiên hậu kiểm hơn tiền kiểm.

"Nếu doanh nghiệp gian dối thì phải chịu trách nhiệm. Công an tham gia vào để tránh trùng lắp thông tin", ông Thanh nêu từ bài học trùng lắp thông tin tại Bình Dương.

Theo ông Thanh, các địa phương khác báo cáo thường trực HĐND, HĐND chứ không cần ra nghị quyết của HĐND như Bắc Ninh. Việc này cần rút kinh nghiệm khi triển khai các chính sách an sinh sau này.

Ngoài ra, tiền ngân sách trung ương có mục tiêu hỗ trợ người lao động nên Sở Tài chính Bắc Ninh cũng chưa tham mưu đầy đủ, kịp thời cho tỉnh, việc này cần rút kinh nghiệm. Về kinh phí, một số tỉnh có dự kiến ban đầu cao nhưng hiện giờ thấp nên trung ương chỉ tạm ứng 70% trong tổng số 6.600 tỉ đồng dự trù.

Chậm do "đẻ" thêm thủ tục?

Ông Nguyễn Kim Triều, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh, cho biết công tác thẩm định, xác nhận danh sách đề nghị hỗ trợ thuê nhà rất chậm, dẫn tới phê duyệt dồn lại nên giải ngân chậm.

"Thủ tục rất đơn giản nhưng đơn giản trong lập hồ sơ của người lao động, tập hợp hồ sơ của doanh nghiệp, còn gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi thẩm định, xác nhận hồ sơ", ông Triều cho biết.

Tại Bắc Ninh, lực lượng công an xác minh hàng trăm lao động không đủ điều kiện nhưng vẫn nộp hồ sơ và được doanh nghiệp xác nhận nên sở đã báo cáo UBND tỉnh.

Sau khi xem xét, UBND tỉnh chỉ đạo công tác thẩm định chặt chẽ dựa vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư nhưng lại phát sinh chỉ xác minh được 30% thông tin người lao động. Để giải quyết, Bắc Ninh chỉ đạo chỉ kiểm tra xác suất để đẩy nhanh tiến độ.

UBND các địa phương sẽ bố trí nhân sự làm việc cả ngày thứ bảy, chủ nhật để hoàn thành việc chi trả chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trong tháng 8.

Tác giả: HÀ QUÂN - TIẾN THẮNG

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ