Mới đây, cộng đồng cựu thí sinh dự thi Đường lên đỉnh Olympia rộn ràng đón nhận tin vui từ Vương Thiện Huy - từng là đại diện Trường Trung học Thực hành, ĐH Sư phạm TP.HCM vào đến thi tháng chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 12 (cách đây 6 năm). Từ California, Huy báo tin vui về quê nhà khi em vừa được nhận vào thực tập tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA).
Trao đổi với PV Dân trí, Huy cho biết, hiện cậu đang làm nghiên cứu theo chương trình "Year-round Internship" (thực tập dài hạn) tại phòng thí nghiệm tên lửa đẩy (JPL - Jet Propulsion Lab) thuộc NASA ở California, Mỹ.
"Thực tập dài hạn khác với thực tập 3 tháng ở chỗ, bọn mình được coi như khoa học gia thực thụ, nhận những đề tài nghiên cứu phức tạp.
Công việc cụ thể của mình là cải tiến kính viễn vọng không gian nhìn xa và rõ hơn, thời gian làm việc chiếm khoảng 8-9 tiếng/ngày", Thiện Huy chia sẻ.
Thiện vui vẻ tâm sự, hồi nhỏ khi mới biết tới NASA, cậu tưởng cơ quan này... toàn người sao Hỏa, không dám nghĩ có ngày bản thân được vào đây.
6 năm sau khi tham dự Đường lên Đỉnh Olympia, Thiện Huy mang về tin vui trúng tuyển chương trình thực tập sinh dài hạn tại NASA (Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ). |
Cuối năm 2016, Huy đăng ký ứng tuyển vào NASA bằng cách nộp học bạ của trường Cao đẳng Cộng đồng Pasadena (California, Mỹ) kèm theo CV. Phía tuyển dụng không trao đổi nhiều qua mail mà chỉ bảo ứng viên chờ. Sau hơn 1 năm, Huy bất ngờ nhận được cuộc gọi của NASA thông báo đã trúng tuyển.
"Đại diện NASA gọi cho mình nói rằng họ có một đề tài liên quan tới lĩnh vực mình quan tâm, hỏi mình có đồng ý vào làm ở đây không. Mình đã nhận lời. Họ cũng yêu cầu mình nói thêm đề tài về Vật lý chất rắn trước đây mình từng làm ở Viện ĐH California-Berkeley năm 2016. Khi đó, mình khá run vì đề tài đã làm từ hơn một năm trước và cố gắng chia sẻ với họ những gì có trong đầu", Huy kể.
Sau đó, phía tuyển dụng gọi điện thoại lại lần cuối để chúc mừng. Vài ngày sau, Thiện Huy nhận được thư mời chính thức từ phòng thí nghiệm tên lửa đẩy vào chương trình thực tập dài hạn.
Đam mê nghiên cứu khoa học, 9X Việt từng thực hiện nghiên cứu về Vật lý chất rắn tại Viện ĐH California-Berkeley; thông thạo máy chạy hệ điều hành Mac lẫn Windows; thông thạo gần hết ngôn ngữ lập trình đương đại (C++, Matlab, Python, Java, Pascal); khả năng quy mọi thứ trong Khoa học về Toán học và nghĩ theo nó (Mathematical Modelling Thinking).
Trước đó, vào tháng 1/2018, Thiện Huy giành giải xuất sắc, lọt vào top 15% tại hội thảo Toán lớn nhất nước Mỹ - Joint Mathematics Meeting (JMM) với một thuật toán giải phương trình vi phân nhanh, hiệu quả. |
Chàng trai Việt dự định làm thực tập sinh ở phòng thí nghiệm tên lửa đẩy ít nhất 2-3 năm (đó là số năm kinh nghiệm tối thiểu cần thiết để đăng ký chương trình phi hành gia của NASA) sau đó sẽ tham gia vào chương trình phi hành gia của NASA.
"Mình đã hỏi các giáo sư nơi mình làm việc, mình cũng sẽ nộp CV rồi phải chờ đợi họ xem xét hồ sơ. Khoảng thời gian đó đủ để mình lấy thêm bằng thạc sĩ", Thiện Huy chia sẻ.
9X cho biết chương trình phi hành gia đòi hỏi ứng viên không chỉ có kinh nghiệm nghiên cứu, mà còn phải đảm bảo điều kiện thể chất. Bởi vậy, ngoài thời gian ở phòng thí nghiệm, Huy đang rèn luyện sức khỏe hàng ngày. Cậu đang đá trong đội bóng nghiệp dư của JPL/NASA và sẽ tham gia giải Aerospace League khoảng vài tuần tới.
Khi được hỏi bí tuyết vào chương trình thực tập dài hạn tại NASA, Huy nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của một hồ sơ đủ tốt. Huy tiết lộ NASA cũng như nhiều cơ quan của Mỹ không muốn biết nhiều về ứng viên ngay từ đầu.
Bên tuyển dụng giữ một danh sách dài CV của ứng viên và sẽ tiến hành lọc thông qua chương trình tìm kiếm. Họ sẽ chỉ giữ lại những CV có từ khóa (ví dụ: Thông thạo ngôn ngữ lập trình C++, Matlab...) trùng khớp với phía yêu cầu nhân sự đưa ra. Danh sách rút gọn sẽ được bên nhân sự chuyển lại cho cơ quan tìm người để trực tiếp liên hệ với ứng viên.
Sau 2-3 năm thực tập, Thiện Huy dự định sẽ tham gia vào chương trình phi hành gia của NASA. |
Tháng 1/2018, Huy đã công bố một thuật toán giải phương trình vi phân nhanh, hiệu quả tại một trong những hội thảo toán lớn nhất nước Mỹ - Joint Mathematics Meeting (JMM) và giành giải xuất sắc (top 15%). Tháng 8 tới, 9X sẽ công bố phần mở rộng và dự án hoàn thiện vào đầu năm sau.
Bước đầu chinh phục thành công cơ hội tham gia nghiên cứu những vấn đề có ích cho cộng đồng, Huy đang nỗ lực tiến gần hơn với ước mơ từ thời lớp 9 của mình - trở thành một phi hành gia.