Pháp luật

Chánh TAND Tối cao: Nói bác sĩ Lương vô tội là can thiệp việc của toà án

Admin

Ông Nguyễn Hoà Bình cho hay vụ án đang quay lại quy trình tố tụng từ đầu nên không thể nói bị cáo Lương có bị oan hay không.

Sáng 20/6, tại buổi họp báo về về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các tòa án trong 6 tháng đầu năm, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hoà Bình đã trả lời nhiều câu hỏi của báo giới liên quan vụ án bác sĩ Hoàng Công Lương.

Chánh án đánh giá vụ án tai biến chạy thận làm 9 người chết ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình đã xét xử công khai, đúng tố tụng. Chứng cứ của các bên liên quan đưa ra trước tòa đều được HĐXX xem xét cẩn trọng, khách quan. Theo luật mới và tinh thần cải cách tư pháp, TAND TP Hoà Bình đã mời tất cả những người có liên quan như đại diện Bộ Y tế, điều tra viên tới tòa. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà một số người khác nhau không đến toà.

Chánh toà Nguyễn Hoà Bình cho rằng: "HĐXX quyết định trả hồ sơ là rất đúng đắn, đã có những kiến nghị xem xét trách nhiệm và yêu cầu khởi tố một số cá nhân để giai đoạn tố tụng tiếp theo được nghiêm minh".

 Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: Phạm Dự.

“Thời điểm này, khi vụ án đang quay lại quy trình tố tụng nên tôi không thể nói bị cáo Lương oan hay không”, ông Nguyễn Hoà Bình nói và cho biết rất ấn tượng với câu hỏi của Thẩm phán với Hoàng Công Lương rằng: “Khi anh là người trực tiếp điều trị song một loạt bệnh nhân bị chết, vậy lương tâm anh có bị cắn rứt không? Anh thấy có trách nhiệm của mình ở đây không?”.

Ông Bình cho rằng, toà chưa tuyên án nhưng điều đó lại liên quan đến “toà án lương tâm” và việc bác sĩ Lương có tội hay không cũng phải xem xét cẩn trọng.

Liên quan ý kiến của các đại biểu Quốc hội khi phiên xử đang diễn ra, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho hay, các đại biểu hoàn toàn có quyền đưa ra ý kiến cá nhân. Tuy nhiên việc đánh giá bị cáo Lương "có tội hay không có tội" khi vụ án đang điều tra “là can thiệp vào tính độc lập của toà án" và không mang lại sự thuận lợi và nhận thức đúng đắn trong xét xử nhân danh pháp luật, Nhà nước.

 Bị cáo Hoàng Công Lương. Ảnh: Phạm Dự.

Thẩm phán 'sai nghiệp vụ' khi tuyên án treo cho bị cáo Nguyễn Khắc Thủy

Liên quan vụ án Nguyễn Khắc Thuỷ dâm ô trẻ em ở Vũng Tàu, Chánh án TAND Tối cao cho biết, bị cáo Thuỷ đã tự nguyện đi thi hành án. Tuy nhiên, thẩm phán Huỳnh Ngọc Thiện tuyên ông Thuỷ án treo là “có vi phạm”. Cơ quan thanh tra, tổ chức của TAND Tối cao đã yêu cầu Ban cán sự Đảng Tòa án Vũng Tàu kiểm điểm người này.

Ông Bình khẳng định "không có tiêu cực" trong việc tuyên án treo cho Nguyễn Khắc Thuỷ. "Thẩm phán băn khoăn về chứng cứ yếu do các cháu nói không thống nhất, nhưng việc tuyên án treo để có lợi cho bị cáo là không thỏa đáng. Với sai về nghiệp vụ thế này, chúng tôi đã kiểm điểm và sẽ có xử lý”, người đứng đầu ngành toà án nói.

Ông Nguyễn Khắc Thủy bị kết luận dâm ô hai bé gái sống cùng chung cư Lakeside (TP Vũng Tàu) vào năm 2014. Tháng 11/2017, bị TAND thành phố Vũng Tàu tuyên phạt Thủy 3 năm tù, ông Thủy kháng cáo kêu oan.

Xét xử phúc thẩm hôm 11/5, TAND Bà Rịa - Vũng Tàu chấp nhận một phần kháng cáo vì cho rằng chỉ có căn cứ buộc tội Thủy dâm ô một bé. Hơn nữa, bị cáo là người già, đang bị bệnh nên HĐXX giảm án từ 3 năm tù xuống còn 18 tháng tù treo.

Quyết định này khiến dư luận bức xúc, nhiều cơ quan phải lên tiếng. Ngày 1/6, Ủy ban thẩm phán họp giám đốc thẩm, quyết định hủy bản án phúc thẩm của TAND Bà Rịa - Vũng Tàu, giữ nguyên án sơ thẩm vì đã xét xử đúng pháp luật.

 Toàn cảnh buổi họp báo. Ảnh: Phạm Dự.

Chưa hẹn thời điểm bồi thường các vụ án oan sai

Trước nhiều câu hỏi về bồi thường oan sai cho ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang, ba mẹ con bà Vũ Thị Nga ở Điện Biên, Chánh án Nguyễn Hoà Bình cho biết đây là điều đáng tiếc của các cơ quan tố tụng trong nhiều năm trước khi đội ngũ cán bộ còn non kém và hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ. Toà đã nghiêm túc thông qua một tổ chức liên ngành từ công an, kiểm sát và công khai xin lỗi ngay sau khi có đủ căn cứ.

Về vấn đề bồi thường chậm, ông Bình nói những người bị oan sai đã thông qua luật sư để tập hợp tài liệu cung cấp cho toà án. Toà sẽ áp dụng các quy định của luật theo hướng có lợi nhất cho đương sự và sẽ giải quyết khẩn trương các vấn đề này.

Cuối buổi cung cấp thông tin cho báo chí, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, từ năm 2013 tới nay đã xảy ra hơn 8.000 vụ liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em với 5 tội danh khác nhau. Các toà án đã xét xử 7.000 vụ, tương đương hơn 92%. Số các vụ án phải sửa, trả, điều tra bổ sung khoảng 500 vụ tương đương hơn 6%.

Ông Bình nhận định đây là tỷ lệ cao và yêu cầu phải hạ thấp hơn. Ông Bình cho biết thêm, thời gian tới, nhà chức trách sẽ xử lý hành vi dụ dỗ, ép buộc trẻ em biểu diễn khiêu dâm; xem phim, văn hóa phẩm khiêu dâm… để răn đe.

Chánh văn phòng TAND Tối cao Phạm Quốc Hưng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2018, các tòa án đã giải quyết 193.133 vụ việc, đạt 63,5%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án là 1,02%, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra.

Trong vụ án sự cố y khoa làm 9 người chết ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, sau 12 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, ngày 5/6 TAND thành phố Hoà Bình tuyên trả hồ sơ về VKS để yêu cầu làm rõ một số vấn đề. HĐXX nhận thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, vẫn có “dấu hiệu bỏ lọt tội phạm”. Các chứng cứ buộc tội, vô tội với bị cáo Lương chưa được thu thập đầy đủ. Trong quá trình xét xử xuất hiện nhiều tài liệu mới chưa được kiểm chứng và làm rõ.

HĐXX kiến nghị khởi tố ông Hoàng Đình Khiếu (nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Hoà Bình) và nguyên trưởng phòng vật tư Trần Văn Thắng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, một số cá nhân, tổ chức khác như nguyên giám đốc Bệnh viện Trương Quý Dương, Bộ Y tế cũng bị HĐXX đề nghị xem xét trách nhiệm.