Kinh tế

Chi tiêu tùy tiện, hàng loạt tỉnh thành lộ sai sót ngàn tỷ

Admin

Kiểm toán Nhà nước vừa có báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách năm 2016. Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đã cho thấy vẫn còn tình trạng nhiều địa phương sử dụng ngân sách sai mục tiêu, mục đích. Trong khi đó, qua kiểm toán đã yêu cầu nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước phải nộp thêm vào ngân sách hàng nghìn tỷ đồng.

Lấy tiền ngân sách chi cho đội bóng

Trong công tác chi thường xuyên vốn chiếm tới 2/3 chi ngân sách, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện có 39/47 địa phương được kiểm toán vẫn còn quyết toán một số khoản chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức. Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị thu hồi, nộp ngân sách, giảm thanh toán, dự toán năm sau 670 tỷ đồng.

Cụ thể là  TP. Hồ Chí Minh 19 tỷ đồng, Hà Nội 17 tỷ đồng, tỉnh Bình Thuận 171 tỷ đồng; Tây Ninh 132 tỷ đồng; Quảng Bình 177 tỷ đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 74 tỷ đồng; Bình Định 49 tỷ đồng …

Công trình Cầu Ô Rô, tỉnh Cà Mau đã để xảy ra sự cố sập cầu trong quá trình thi công. 

Ngoài ra, có 31/47 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng. Trong đó tỉnh Vĩnh Phúc 691 tỷ đồng, Sóc Trăng 399 tỷ đồng, Vĩnh Long 281 tỷ đồng, thành phố Hải Phòng 141 tỷ đồng. 18 địa phương còn sử dụng 156 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu sử dụng đất... để bổ sung chi thường xuyên sai quy định...

22/47 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi 121 tỷ đồng, trong đó một số địa phương còn hỗ trợ cho các công ty bóng đá. Cụ thể tỉnh Tây Ninh hỗ trợ Công ty cổ phần bóng đá Tây Ninh từ năm 2014 đến 2016 mỗi năm 4 tỷ đồng. Quảng Ninh hỗ trợ đội bóng đá của Công ty TNHH MTV bóng đá Quảng Ninh trả lương cho các cầu thủ và nhân viên của công ty 10 tỷ đồng.

Tại nhiều địa phương, Kiểm toán Nhà nước còn phát hiện công tác giám sát thi công tại một số dự án không chặt chẽ theo quy định; tỷ lệ dự án được kiểm tra, giám sát còn thấp; một số chủ đầu tư không thực hiện chế độ báo cáo giám sát đầu tư, đặc biệt tại hạng mục công trình Cầu Ô Rô, tỉnh Cà Mau đã để xảy ra sự cố sập cầu trong quá trình thi công.

Bên cạnh đó, chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng... Chẳng hạn tại tỉnh An Giang, Dự án Hồ chứa nước Thanh Long xảy ra hiện tượng thấm của đập sau khi tích nước, nhưng vẫn chưa khắc phục hoàn toàn hiện tượng thấm theo kết luận của Tổng Cục Thủy lợi.

Dự án Công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km1153 - Km1212+400, tỉnh Bình Định, một số vị trí mặt đường bị bong bật ổ gà đã được đơn vị sủa chữa 3.290m2; Dự án Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bằng sông Cửu Long (Mặt cầu bê tông xi măng một số vị trí bị bong tróc, lộ cốt thép, xà mũ mố, trụ đọng đất cát, ẩm ướt…)...

Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót; còn tình trạng nghiệm thu, thanh toán, quyết toán khối lượng chưa thi công  hoặc không đúng thực tế ... Qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Chuyển nhiều vụ sang công an

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước cho hay đã chuyển 4 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an thành phố Hải Phòng) kiến nghị điều tra làm rõ và xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự.

Đó là vụ UBND quận Hồng Bàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quản lý dự án đầu tư (nghiệm thu thanh toán không đúng khối lượng so với thực tế thi công) đối với  Dự án đầu tư xây dựng công viên cây xanh từ bến xe Tam Bạc (cũ) đến chân cầu đường bộ Tam Bạc (giai đoạn II).

Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hải Phòng có dấu hiệu vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý sử dụng tiền và tài sản nhà nước (Việc tạm ứng kéo dài qua nhiều năm không có hồ sơ hoàn ứng, không thu được tiền tạm ứng gây thiệt hại 52 tỷ đồng).

Công ty Xi măng Phúc Sơn có dấu hiệu vi phạm về thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước (trốn thuế) và khai thác tài nguyên trái phép. Bốn là việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép ngoài ranh giới được  cấp phép cho Công ty Cổ phần thương mại Tân Hoàng An và Công ty Xi măng Phúc Sơn; trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

 Đồng thời Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo Cơ quan điều tra tiến hành điều tra đối với 2 vụ việc.

Cụ thể, KTNN kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật đối với công chức thuế thuộc Chi cục Thuế huyện Đăk Pơ có hành vi lợi dụng chức vụ tham ô tài sản.

Vụ thứ hai là KTNN kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước của người đứng đầu và các cá nhân có liên quan tại các công ty lâm nghiệp được giao trực tiếp quản lý rừng tự nhiên nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong tổ chức quản lý, bảo vệ rừng, làm mất rừng, suy giảm chất lượng rừng, trữ lượng gỗ nghiêm trọng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước đã cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu kiểm toán cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. 

Ông lớn có vốn Nhà nước phải nộp thêm nghìn tỷ

Kết quả kiểm toán cho thấy, dù thu ngân sách khó khăn nhưng tình trạng người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước… vẫn diễn ra khá phổ biến. Kiểm toán Nhà nước xác định số phải nộp ngân sách tăng thêm hơn 19 nghìn tỷ đồng.

 

Trong đó, đáng chú ý là nhiều doanh nghiệp vốn nhà nước bị kiến nghị nộp thêm vào ngân sách nhà nước với số tiền lớn như: Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) 2,6 nghìntỷ đồng; Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) 1,8 nghìn tỷ đồng; Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam 1,7 nghìn tỷ đồng; Tập đoàn Hóa chất Việt Nam 255 tỷ đồng…