Kinh tế

Chính phủ nợ gần 94,3 tỷ USD

Admin

Nợ chính phủ gồm cả trong và ngoài nước tính đến hết năm 2015 đã vượt 2 triệu tỷ đồng (gần 94,3 tỷ USD).

Bộ Tài chính vừa công bố Bản tin nợ công số 5, với số liệu cập nhật mới nhất đến hết năm 2015 về nghĩa vụ trả nợ của nền kinh tế. Theo tài liệu này, trong vòng 4 năm dư nợ Chính phủ đã tăng 2 lần, từ mức 52,5 tỷ USD (2011) lên 94,3 tỷ USD (2015).

Trong khi nợ trong nước có xu hướng tăng nhanh, từ 20,4 tỷ USD lên 54,6 tỷ USD thì mức tăng nợ nước ngoài chậm hơn, từ 32,3 tỷ USD lên mức 39,6 tỷ vào cuối 2015. Cũng trong năm 2015, tổng số tiền trả nợ của Chính phủ gấp 2,5 lần so với 2011, tương đương 13,3 tỷ USD (khoảng 288.000 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ của Chính phủ so với thu ngân sách 4 năm từ 2011 đến 2015 cũng liên tục tăng, từ 162% lên hơn 206%.

 Đến cuối năm 2015 nợ Chính phủ vượt 2 triệu tỷ đồng 

Xét về số tuyệt đối, chỉ tiêu nợ nước ngoài của quốc gia (nợ nước ngoài của Chính phủ và doanh nghiệp) vẫn tăng, vượt 80,8 tỷ USD (xấp xỉ 1,75 triệu tỷ đồng) trong khoảng thời gian này. Nhưng nếu so với GDP thì chỉ tiêu này có xu hướng giảm.

Khác với những bản tin nợ công trước đây, ở bản tin số 5 này Bộ Tài chính lần đầu tiên công khai dữ liệu liên quan đến vay và trả nợ trong nước của chính quyền địa phương. Trong 4 năm, khoản nợ này tăng gấp 3 lần, từ 1,1 tỷ USD lên trên 3,3 tỷ USD. Cũng theo bản tin này, năm 2015 Chính phủ đã thanh toán hơn 5,4 tỷ USD để trả nợ bảo lãnh.

Bản tin nợ công là tài liệu được Bộ Tài chính xuất bản định kỳ 6 tháng một lần, với độ trễ là 6 tháng.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng thừa nhận “nợ công tăng nhanh trước hết do công tác điều hành”.

Ông Dũng phân trần, giai đoạn 2011-2015 trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) là 7,5% và sau đó điều chỉnh giảm về 6,5%, thì thực tế lại chỉ đạt 5,9%. Ở thời điểm đó, tổng số vay của nền kinh tế khoảng 1,4 triệu tỷ đồng, gồm 330.000 tỷ trái phiếu Chính phủ được phép phát hành thêm theo Luật Ngân sách Nhà nước cũ.

Huy động vốn giai đoạn 2011-2013 cũng được đánh giá là quá lớn, lãi suất quá cao, có khoản vay 13% một năm, dẫn tới áp lực dồn dập trả nợ từ năm 2014 đến nay.

Là người "giữ túi tiền quốc gia", ông Dũng lo lắng khi "chi tiêu thì quyết theo nhu cầu, nhưng tăng trưởng kinh tế không năm nào đạt như dự báo".