Trao đổi với báo chí chiều 29/8, ông Lê Văn Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Lê Trực (chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực) cho biết, đơn vị này đã gửi đơn khởi kiện UBND quận Ba Đình, Hà Nội liên quan đến việc ra quyết định phá dỡ công trình không đúng quy định.
Liên quan đến pháp lý của dự án, đại diện chủ đầu tư vẫn khẳng định thực hiện đúng quy trình. Theo lý giải của ông Hùng, công trình 8B Lê Trực được xây dựng phù hợp với Quy hoạch chi tiết 1/500 do UBND TP Hà Nội phê duyệt năm 2008.
Ông cũng cho biết, một loạt văn bản của UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng ban hành những năm 2008-2010 đều thể hiện dự án có chiều cao công trình 69,1 m với 20 tầng gồm 17 tầng, 2 tầng kỹ thuật, một tầng mái. Ngoài ra, Bộ Tổng tham mưu quân đội nhân dân Việt Nam có văn bản xác nhận độ cao tĩnh không tối đa của công trình là 70m.
Năm 2010, hồ sơ Thiết kế kỹ thuật và hồ sơ Thiết kế chi tiết bản vẽ thi công được Viện Khoa học công nghệ xây dựng, Bộ Xây dựng thẩm tra và doanh nghiệp dựa trên những phê duyệt đó để triển khai dự án từ năm 2010.
Công trình 8B Lê Trực hiện đã phá dỡ xong giai đoạn một nhưng chưa có phương án phá dỡ giai đoạn hai. Ảnh: Bá Đô |
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, ở thời điểm đó, để Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận chiều cao của tòa nhà là 69,1m thì phía chủ đầu tư phải cam kết không yêu cầu đền bù phần diện tích đất dành cho mở đường Trần Phú theo quy hoạch. "Chúng tôi đã thực hiện đúng cam kết bàn giao 1.914m2 để mở đường", ông Hùng nói.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, sau đó, vào tháng 3/2014 phía thành phố chỉ cấp phép cho công trình này chiều cao 53m. Giấy phép xây dựng nói trên theo ông lại không cấp đúng với Quy hoạch chi tiết 1/500 và Tiêu chuẩn thiết kế Việt Nam về nhà ở cao tầng. Đại diện chủ đầu tư dẫn các quy định ở thời điểm đó và cho rằng công trình 8B Lê Trực thuộc đối tượng không phải xin giấy phép xây dựng.
"Việc UBND quận Ba Đình ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình nhưng không căn cứ vào Quy hoạch chi tiết 1/500 mà chỉ căn cứ vào Giấy phép xây dựng cấp tháng 3/2014 là không đúng quy định pháp luật", ông Hùng nói.
Với những lý lẽ đó, chủ đầu tư cho biết đã có đơn khởi kiện UBND quận Ba Đình tới Tòa án nhân dân TP Hà Nội. Nhưng đã hơn một năm nay vẫn chưa nhận được phản hồi về việc đến khi nào thì phiên tòa sẽ được tổ chức để xét xử.
Một lãnh đạo UBND TP Hà Nội cho hay, việc chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực tố thành phố phá vỡ cam kết trong việc hiến đất đổi lấy quy hoạch, thanh tra thành phố vẫn đang xem xét nên chưa thể cung cấp thêm thông tin gì.
Ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội thì cho biết, việc cấp phép xây dựng, phá dỡ tại dự án không thuộc thẩm quyền của cơ quan này mà là của Sở Xây dựng. Trong khi đó, một lãnh đạo của Sở Xây dựng cũng xác nhận đã nhận được thông tin chủ đầu tư gửi đơn kiện chính quyền ra Tòa án nhân dân TP Hà Nội, và tòa đang thụ lý nên sẽ không bình luận thêm gì về vụ việc này, đồng thời chờ phán quyết của tòa.
Trước đó, kết quả kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội kết luận, công trình 8B Lê Trực có nhiều sai phạm so với Giấy phép xây dựng đã được cấp, nhiều phần không giật cấp làm tăng diện tích sàn xây dựng. Công trình được cấp phép xây dựng cao 53m nhưng chủ đầu tư đã tự ý tăng chiều cao các tầng, xây thêm tầng 19, tổng chiều cao hiện tại khoảng 69m (vượt 16m). Với kết luận trên, thành phố yêu cầu phải phá dỡ phần xây vượt cả về chiều cao và giật cấp.
Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần May Lê Trực cho biết, hiện cơ quan chức năng của TP Hà Nội đã thực hiện phá dỡ xong giai đoạn một cắt chiều cao của công trình. Theo kế hoạch dự án còn giai đoạn 2 là phá giật cấp. Tuy nhiên, theo ông Hùng chưa biết khi nào mới tiếp tục triển khai được bởi hiện nay chưa có phương án phá dỡ hạng mục này.
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết, với tiến độ chậm như hiện nay, chủ đầu tư gặp áp lực không nhỏ với khách hàng. "Riêng những căn hộ đã bán cho khách hàng nhưng thuộc diện phải phá dỡ, chúng tôi đã hoàn trả tiền. Tuy nhiên, với những căn còn lại, khách hàng nộp tiền cho chủ đầu tư nhiều năm nay họ rất bức xúc bởi không biết khi nào mới được nhận nhà", ông cho hay. Theo đại diện chủ đầu tư, kể từ ngày làm thủ tục đầu tư vào 2006 đến nay là hơn 11 năm.
Một khách hàng cho biết, ông đặt tiền mua nhà từ tháng đầu năm 2015, theo kế hoạch thì đến 2016 được nhận bàn giao.
"Bỏ cả chục tỷ đồng ra mua nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được nhận nhà. Người mua nhà kiến nghị hết cơ quan quản lý, đến chủ đầu tư, ban ngành nhưng không biết bao giờ mới được giải quyết. Chúng tôi đến đòi tiền thì chủ đầu tư nói là tiền đó đổ vào xây dự án rồi nên không thể trả. Trường hợp này nếu kéo dài thêm, chúng tôi không được nhận nhà thì khoản tài chính khách hàng đã đóng góp do ai chịu trách nhiệm", người mua nhà đặt câu hỏi.
Trong khi đó, đại diện chủ đầu tư cũng khẳng định, hiện tiền khách hàng đóng đã đổ vào bê tông, cốt thép và xây dựng vào công trình. Việc dự án chậm tiến độ như hiện nay cũng là bất khả kháng nên chủ đầu tư không thể trả.
Cũng liên quan đến dự án này, trong một diễn biến khác, cách đây vài ngày, UBND phường Điện Biên đã có văn bản gửi chủ đầu tư thông báo sẽ khóa cổng công trình để bảo đảm an ninh trật tự.
Văn bản cho biết, trong những ngày gần đây, ở phía mặt trước tòa nhà 8B Lê Trực phần giáp mặt phố Trần Phú kéo dài xuất hiện lực lượng tự xưng là người mua căn hộ tại tòa nhà 8B Lê Trực có tập kết các xe ba gác và treo băng rôn kêu cứu đề nghị trả lại nhà, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn trật tự khu vực trên.
Trước đó, tại phiên chất vấn của Thường vụ Quốc hội về quản lý xây dựng, đô thị sáng 16/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận trách nhiệm chậm xử lý phần sai phạm tại công trình này, đồng thời cho biết sẽ sớm công khai phương án xử lý giai đoạn hai nhà 8B Lê Trực.
Với giai đoạn hai, xử lý việc giật cấp công trình theo đúng giấy phép xây dựng, ông Chung nói, thành phố và chủ đầu tư đang trình Bộ Xây dựng phương án kỹ thuật xem có đảm bảo an toàn hay không, nếu không thì chuẩn bị phương án khác.
"Việc chậm xử lý sai phạm tại 8B Lê Trực là do đặt vấn đề an toàn cho toà nhà, cho người dân sau này ở đó", lãnh đạo thành phố cho hay.