Tin địa phương

Chủ tịch TP Hải Phòng đối thoại với dân về thủ tục, giá đất tại khu tái định cư

Lan Anh

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng vừa chủ trì, đối thoại với các hộ dân có kiến nghị liên quan đến đất đai tại các khu tái định cư thuộc Dự án Khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 và nút giao thông Quán Mau.

Theo Ban Tiếp công dân thành phố Hải Phòng, từ trước năm 2015, thực hiện việc giải phóng mặt bằng Dự án Khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen – Cầu Rào 2 và Nút giao thông Quán Mau, chính quyền các quận Ngô Quyền và Lê Chân đã đề xuất UBND thành phố Hải Phòng cho một số hộ dân trong diện di dời được mua thêm các lô đất tại khu tái định cư (ngoài suất tái định cư theo quy định). Từ năm 2015-2017, 107 hộ dân đã được Chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây lắp thương mại tạm bàn giao đất tại các khu tái định cư Đằng Lâm 1, Đằng Lâm 2 (quận Hải An), Trại Lẻ 2, Kênh Dương (quận Lê Chân) khi chưa có Quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền. Đến nay, nhiều hộ đã xây dựng nhà ở để sinh sống hoặc đã nhượng bán cho người khác...

Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng chủ trì, đối thoại với các hộ dân có kiến nghị liên quan đến đất đai tại các khu tái định cư thuộc Dự án Khu đô thị nối đường Lạch Tray với đường Hồ Sen-Cầu Rào 2 và nút giao thông Quán Mau

Từ tháng 3/2023 đến nay, Ban Tiếp công dân thành phố Hải Phòng nhận được 12 đơn kiến nghị của các hộ dân, đề nghị các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đối với các lô đất mua thêm và đề nghị Ủy ban thành phố ban hành giá tính tiền sử dụng đất tại thời điểm các công dân nộp tiền (năm 2015 – 2017).

Ông Phạm Gia Chí, Khu tái định cư Đằng Lâm 2 (quận Hải An, Hải Phòng) bày tỏ: “Đến bây giờ vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chúng tôi gặp rất nhiều thiệt thòi. Tôi không thể đăng ký cho con cái học hành, mảnh đất là tài sản nhiều năm nay, nhưng tôi không thể thế chấp ngân hàng để kinh doanh làm ăn được. Mong muốn của người dân làm được bìa đỏ”.

Đại diện người dân phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường và các ban ngành thành phố Hải Phòng, các hộ dân đều đã được cấp đất tái định cư theo quy định, kể cả hộ chính và hộ phụ. Theo Luật Đất đai, những trường hợp giao đất cho công dân làm nhà ở phải qua đấu giá; việc doanh nghiệp tự ý tạm bàn giao đất cho 107 hộ dân khi không có quyết định giao đất của cơ quan có thẩm quyền là không đảm bảo, vì vậy không thể cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Sau khi nghe ý kiến của công dân và tham khảo ý kiến các sở ngành địa phương, đại diện Bộ Tài nguyên Môi trường, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Trưởng ban Tiếp công dân Trung ương, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng yêu cầu UBND các quận Lê Chân, Ngô Quyền và Hải An rà soát, tổng hợp lại việc tham mưu đề xuất chủ trương cho các hộ dân được mua thêm đất, để xảy ra vụ việc tồn đọng phức tạp này. Chủ tịch UNBD TP Hải Phòng giao thanh tra thành phố rà soát các cuộc thanh tra, kiểm toán về dự án này; phối hợp với Sở Nội vụ xem xét trách nhiệm của các tổ chức có liên quan trong việc để xảy ra thiếu sót này.

Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thống nhất phương án giao Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND TP ra văn bản, trình Thủ tướng chính phủ xin chủ trương giao đất cho các hộ dân

Để giải quyết vụ việc tồn đọng, tạo điều kiện cho các hộ dân, Chủ tịch UNBD TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng thống nhất phương án: “Sở Tài nguyên Môi trường tham mưu UBND TP ra văn bản trình Thủ tướng chính phủ xin chủ trương giao đất cho các hộ dân. Khi Thủ tướng đồng ý cho phép TP Hải Phòng giao đất cho các hộ dân để giải quyết tồn tại thì làm thủ tục giao đất và tính giá đất tại thời điểm này; sau đó làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

Lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cũng đề nghị doanh nghiệp xác định lại chi phí hạ tầng tại thời điểm đó cùng với các chi phí ngoài tiền đất, đối trừ, trả lại cho các hộ dân, trường hợp doanh nghiệp thu quá số tiền thì phải hỗ trợ lại cho người dân.