Giáo dục

Chương trình GDPT mới: Tăng trải nghiệm, kể cả ở các môn tự nhiên

Admin

Nhìn vào chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, ngay cả các môn tự nhiên vốn trước đây nặng hàn lâm sẽ được giảm tải và tăng nhiều hoạt động trải nghiệm.

Chương trình mới giảm tải so với chương trình hiện hành như sau: Giảm số môn học, giảm số giờ học, chọn lọc nội dung giáo dục thiết thực, đổi mới phương pháp giáo dục, tạo điều kiện để học sinh được lựa chọn môn học, chủ đề học tập và tăng cường các hoạt động thực hành.

Nhìn từ số môn học ở cấp THCS, có thể thấy chương trình mới đã giảm số môn, chỉ còn 12 môn so với 15 môn ở chương trình hiện hành. Theo đó, 5 môn độc lập Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý cộng lại thành 2 môn học tích hợp thì thời lượng dạy học trên lớp sẽ được giảm tải.

Theo Ban soạn thảo chương trình, môn Toán trong cả hai giai đoạn giáo dục (giai đoạn giáo dục cơ bản, giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp) có cấu trúc tuyến tính kết hợp với “đồng tâm xoáy ốc” (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

 Chương trình GDPT mới thiết kế chương trình các môn học đều tăng các hoạt động, tiết học trải nghiệm

Ngoài ra, chương trình môn Toán ở từng cấp cũng dành thời lượng thích đáng để tiến hành các hoạt động thực hành và trải nghiệm cho học sinh chẳng hạn như: Tiến hành các đề tài, dự án học tập về Toán, đặc biệt là các đề tài và các dự án về 17 ứng dụng Toán học trong thực tiễn; tổ chức các trò chơi học Toán, câu lạc bộ toán học, diễn đàn, hội thảo, cuộc thi về Toán; ra báo tường (hoặc nội san) về Toán; tham quan các cơ sở đào tạo và nghiên cứu Toán học, giao lưu với học sinh có khả năng và yêu thích môn Toán.

Trong mỗi lớp ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp, học sinh (đặc biệt là những học sinh có định hướng khoa học tự nhiên và công nghệ) được chọn học một số chuyên đề học tập.

Với môn Vật lí, ở giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp tiểu học và cấp THCS), nội dung giáo dục Vật lí được đề cập trong các môn học: Tự nhiên và xã hội (lớp 1, lớp 2, lớp 3); Khoa học (lớp 4, lớp 5); Khoa học tự nhiên (từ lớp 6 đến lớp 9). Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp THPT) đứng riêng độc lập.

Môn Vật lí giúp học sinh tiếp tục phát triển các phẩm chất, năng lực đã được định hình trong giai đoạn giáo dục cơ bản, tạo điều kiện để học sinh bước đầu nhận biết đúng năng lực, sở trường của bản thân, có thái độ tích cực đối với môn học. Thí nghiệm, thực hành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành khái niệm, quy luật, định luật vật lí. Vì vậy, chương trình môn Vật lí chú trọng rèn luyện cho học sinh khả năng tìm hiểu các thuộc tính của đối tượng vật lí thông qua các nội dung thí nghiệm, thực hành dưới các góc độ khác nhau. Chương trình môn Vật lí coi trọng việc rèn luyện khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học để tìm hiểu và giải quyết ở mức độ nhất định một số vấn đề của thực tiễn, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống; vừa bảo đảm phát triển năng lực vật lí –biểu hiện của năng lực khoa học tự nhiên, vừa đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Ở cấp tiểu học, Tự nhiên và xã hội là môn học bắt buộc ở các lớp 1, 2, 3, được xây dựng dựa trên nền tảng khoa học cơ bản, ban đầu về tự nhiên và xã hội. Môn học cung cấp cơ sở quan trọng cho việc học tập các môn Khoa học, Lịch sử và Địa lí ở lớp 4, lớp 5 và các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội ở các cấp học trên.

Môn học coi trọng việc tổ chức cho học sinh trải nghiệm thực tế, tạo cho học sinh cơ hội tìm hiểu, khám phá thế giới tự nhiên và xã hội xung quanh; vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học vào thực tiễn, học cách ứng xử phù hợp với tự nhiên và xã hội.

Nội dung giáo dục môn Tự nhiên và xã hội được tổ chức theo các chủ đề: Gia đình, trường học, cộng đồng địa phương, thực vật và động vật, con người và sức khỏe, trái đất và bầu trời. Các chủ đề này được phát triển theo hướng mở rộng và nâng cao từ lớp 1 đến lớp 3.

Mỗi chủ đề đều thể hiện mối liên quan, sự tương tác giữa con người với các yếu tố tự nhiên và xã hội. Tùy theo từng chủ đề, nội dung giáo dục giá trị sống và kĩ năng sống; giáo dục các vấn đề liên quan đến việc giữ gìn sức khỏe, bảo vệ cuộc sống an toàn của bản thân, gia đình và cộng đồng, bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai,... được thể hiện ở mức độ đơn giản và phù hợp.

Để đạt được yêu cầu chương trình mớ, đội ngũ gáo viên và cơ sở vật chất phải chuyển động và đáp ứng được yêu cầu mà chương trình môn học thiết kế. Các địa phương đang tích cực chuẩn bị để kịp tiến độ áp dụng từ năm học 2020-2021.