Pháp luật

Chuyện về những “nữ quái” miền biên viễn

Admin

Mấy năm gần đây, ngày càng có nhiều phụ nữ người dân tộc thiểu số do hiểu biết nông cạn, dễ dàng bị mua chuộc, dụ dỗ rồi lao vào con đường phạm tội, thậm chí lừa bán cả họ hàng, bạn bè hoặc hàng xóm của mình.

Muôn dạng “má mì”

Từ trước tới nay, người ta thường chỉ nghĩ đến việc phụ nữ bị lừa tình rồi bị bán sang Trung Quốc làm vợ, làm gái mại dâm, thế nhưng trên thực tế, đã có rất nhiều đàn ông sập bẫy các “má mì” bởi đúng “chiêu” này. Thậm chí, có những “nữ quái” còn sẵn sàng dùng cả thân xác để lừa tình đàn ông, sau đó bán họ sang bên kia biên giới, như trường hợp Vàng Thị Sen, sinh năm 1994, ở xã Na Khê, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang.

 Cán bộ Đồn Biên phòng Bạch Đích lấy lời khai của Vàng Thị Sen

Ở huyện biên giới Yên Minh, mỗi khi nhắc đến Vàng Thị Sen, nhiều người không khỏi lắc đầu ngao ngán. Nhờ có chút nhan sắc, lại khéo ăn nói nên Sen chả khác gì thỏi nam châm đối với các chàng trai trong bản. Biết được thế mạnh của mình, Sen quyết dùng nó vào việc lừa tình đàn ông rồi đem bán sang Trung Quốc. Và chỉ đến khi nạn nhân Lù Seo Chương (sinh năm 1989, dân tộc Nùng, cùng xã với Sen) đứng ra làm đơn tố cáo thì sự thật về Sen mới được phơi bày.

Do sinh và lớn lên cùng xã, nên Sen biết rất rõ Chương là người thật thà, chất phác, quanh năm chỉ gắn bó với ruộng nương. Tuy Chương đã có vợ, nhưng Sen vẫn quyết tìm mọi cách để lôi kéo chàng trai này về phía mình. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Sen đã khiến Chương buông bỏ vợ con, ngã vào vòng tay mình. Khi biết cá đã cắn câu, Sen rủ Chương đi chơi. Lấy cớ sợ vợ Chương phát hiện, Sen đòi người tình phải cùng mình qua phía biên giới, theo đường cửa khẩu Tà Lùng (Cao Bằng). Bởi theo Sen thì "bên ấy mới có nhiều cái thú vị mà bản mình không có. Chơi ở đó mới thú vị". Nghe có vẻ bùi tai, Chương đồng ý.

Mấy hôm sau, Chương đi xe máy đến điểm hẹn gặp Sen. Cả hai thuê phòng nghỉ ở thị trấn Yên Minh. Sáng sau, Sen và Chương gửi xe máy lại và bắt xe khách xuống TP Hà Giang. Ban đầu, Sen định sẽ bắt xe từ TP Hà Giang lên thẳng Cao Bằng, nhưng để tránh bị theo dõi, cô ta liền thay đổi hành trình bằng cách đưa "người tình" xuống Thái Nguyên nghỉ lại một đêm rồi hôm sau mới bắt xe lên Cao Bằng. Hai đêm nằm trên cửa khẩu Tà Lùng, Chương liên tục thấy người tình của mình bốc máy điện thoại nói chuyện bằng tiếng Trung Quốc. Hỏi thì Sen trả lời, đang nhờ người quen tìm chỗ làm bên đó với thu nhập cao. Sau nhiều cuộc điện thoại trao đổi với “đối tác”, Sen dẫn Chương sang Trung Quốc.

Nhưng chưa kịp qua biên giới thì cả hai đã bị Bộ đội Biên phòng cửa khẩu Tà Lùng bắt và xử phạt hành chính vì không có giấy tờ hợp pháp khi qua cửa khẩu. Ngay sau khi về đến nhà, Lù Seo Chương đã quyết định trình báo toàn bộ sự việc với các cán bộ Đồn Biên phòng Bạch Đích (Yên Minh, Hà Giang). Theo lời bộc bạch của Chương, trên hành trình kéo dài 4 ngày 3 đêm với người tình, Sen đã cho Chương quan hệ tình dục nhiều lần với những lời hứa hẹn về một tương lai tràn ngập hạnh phúc, tiền bạc, không phải lo nghĩ đến cơm ăn, áo mặc. Sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chức năng đã triệu tập Vàng Thị Sen. Lúc bấy giờ, bộ mặt thật của "má mì đội lốt sơn nữ" mới bị bóc trần.

Ruột rà “dắt” nhau vào lao lý

Trong các vụ buôn bán người bị các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ thời gian gần đây, có không ít “má mì” là người dân tộc. Trước cơ quan điều tra, phần lớn họ đều nại ra cái cớ là bị dụ dỗ, mua chuộc và lừa phỉnh. Nhưng trên thực tế, có những kẻ từng là nạn nhân trong các đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em, từng phải sống kiếp đời tủi nhục, thân xác bị vùi dập nơi xứ lạ. Thế nhưng, khi thoát ra được khỏi chốn nhơ nhớp ấy, chính họ lại trở về quê hương mình, đất nước mình để lừa bán những thiếu nữ đang ở tuổi trăng tròn, bằng kinh nghiệm của những người đã từng lừa gạt mình ngày trước...

 Hai mợ cháu Dịu – Giang tại cơ quan công an

Điển hình cho những đối tượng kiểu này phải nhắc đến đối tượng Lữ Thị Quan (42 tuổi, trú ở bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, Nghệ An). Quan từng là một sơn nữ xinh đẹp nức tiếng, nhưng bông hoa rừng ấy đã sớm lụi tàn khi trót lấy chồng sớm rồi gia đình tan vỡ, nghe theo lời rủ rê sang xứ người mong đổi đời nhưng lại bị lừa bán làm gái mại dâm.

Bi kịch của Quan bắt đầu từ khi cô gặp lại Lữ Thị Mai - con gái của anh trai mình. Mai đã lấy chồng ở Trung Quốc từ mấy năm trước và tranh thủ về thăm nhà. Lấy lý do nghĩa tình ruột thịt, cám cảnh cho cô ruột mình sớm nửa đường đứt gánh, lại một thân lang bạt chưa biết về đâu, Mai vẽ ra trước mắt Quan một tương lai sáng lạng ở Trung Quốc. Tin tưởng Mai, Quan đồng ý theo chân cô con gái của anh trai sang Trung Quốc “làm ăn” với nghề nghiệp là osin.

Khi đặt chân đến Trung Quốc, Quan mới biết được sự thật là mình đã bị chính đứa cháu bán cho một người đàn ông đang cần vợ với giá 17.000 nhân dân tệ. Khi biết được sự thật đó, thay vì thù hận tìm cách thoát ra khỏi gông cùm, Quan bắt đầu chấp nhận và làm quen với cuộc sống mới.

Mấy năm sau, nhận được sự tin tưởng của chồng, Quan được trở về thăm lại quê nhà. Về quê, Quan tạo cho mình vỏ bọc của một người thành đạt, có cuộc sống mơ ước ở xứ người. Cô bắt đầu đon đả mời chào những sơn nữ quê mình sang đó làm ăn. Bằng miệng lưỡi giảo hoạt, Quan đã dụ dỗ được ba sơn nữ là: Lữ Thị H (SN 1993), Vi Thị Ph (SN 1990) và Lữ Thị H (SN 1992, tất cả đều trú tại bản Kẻ Bọn, xã Châu Hạnh) sang Trung Quốc bán hàng. Quan định đem 3 cô gái nghèo này sang chính nơi mình gặp nạn để bán vào những “cơ sở kinh doanh thân xác”. Tuy nhiên, âm mưu này đã sớm bị lật tẩy khi đang trên đường dẫn 3 sơn nữ đi bán thì Quan bị phát hiện và bắt giữ.

Nước mắt muộn màng

Chưa từng bị bán như Quan, nhưng Nguyễn Thị Dịu (SN 1982, trú tại xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) cũng giống Quan ở điểm chỉ vì trót mủi lòng trước những lời ngon ngọt của đứa cháu gái Vi Thị Quỳnh Giang (SN 1992, trú tại xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn, Nghệ An) mà lao vào con đường phạm tội. Tất cả bắt đầu từ khoảng tháng 2/2013, Giang nói với Dịu (Dịu là mợ của Giang): “Nếu ai đi Trung Quốc thì mợ nói với cháu, cháu sẽ đưa đi”. Ngày 14/4/2013, L.T.N (SN 1995) và M.T.L (SN 1997) đều trú tại bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) điện thoại cho Dịu nhờ Dịu tìm mối đưa sang Trung Quốc lấy chồng. Dịu nói với 2 cô gái nếu đi Trung Quốc lấy chồng sẽ được trả mỗi người 40 triệu đồng. Để cho chắc ăn, cô đồng thời yêu cầu cả N và L viết giấy tự nguyện đi Trung Quốc.

 Tuyên truyền, nâng cao nhận thức vẫn là biện pháp quan trọng trong đấu tranh phòng chống tội phạm buôn bán người

Sau khi Dịu thương lượng được với 2 cô gái, Giang hướng dẫn đưa xuống thành phố Vinh. Ngày 15/4/2013, Giang gọi điện thoại cho một người phụ nữ Trung Quốc tên Hợi báo chuẩn bị đón người. Đến tối, Giang bắt xe cùng 2 nạn nhân ra Móng Cái (Quảng Ninh). Sau khi vượt sông sang Trung Quốc, cả 3 được một người phụ nữ bắt xe đến nhà Hợi ở Quảng Xí (Trung Quốc). Sau đó, N được bán cho một người đàn ông Trung Quốc với giá 50.000 nhân dân tệ. Người phụ nữ bán N. đã đưa cho Giang 40.000 nhân dân tệ bảo Giang đưa về cho gia đình N. Riêng L không bán được nên Giang để lại nhà Hợi bán sau.

Sau khi về Việt Nam, Giang đổi số tiền trên được 120 triệu đồng. Giang đưa cho Dịu 100 triệu đồng và dặn đưa trước cho gia đình N 10 triệu đồng, số tiền còn lại để đó tính sau. Số tiền 20 triệu đồng Giang để tiêu xài cá nhân. Sau mấy năm khổ cực, bị bóc lột sức lao động, bị lạm dụng tình dục, N và L đã tìm cách trốn về Việt Nam và tố cáo hành vi của Nguyễn Thị Dịu và Vi Thị Quỳnh Giang với Công an huyện Kỳ Sơn.

Ngay sau đó, Dịu và Giang bị bắt. Tại cơ quan Công an, chỉ có đối tượng Giang thành khẩn khai báo, còn Dịu một mực quanh co, chối tội. Dịu cho rằng việc hai người tố cáo mình bán họ sang Trung Quốc là không đúng, vì trong tay Dịu còn có giấy viết tay của họ là tự nguyện đi lấy chồng, Dịu không liên quan gì cả. Phải đến khi các điều tra viên đưa ra những bằng chứng xác thực, Dịu mới cúi đầu nhận tội.

Sau đó, TAND tỉnh Nghệ An đã đưa Nguyễn Thị Dịu và Vi Thị Quỳnh Giang ra xét xử, HĐXX đã tuyên phạt Giang 5 năm tù, Dịu 4 năm tù cho tội danh buôn bán người. Sau khi nghe Tòa tuyên án, cả Giang và Dịu đều khóc ngất, ngã quỵ xuống phía sau vành móng ngựa. Chứng kiến cảnh đó, rất nhiều người tham dự phiên tòa hôm ấy đã thầm tiếc cho hai mợ cháu. Giá như họ biết vượt qua số phận, không bị đồng tiền làm lóa mắt thì đã không phải chịu một cái kết cục buồn thảm như hôm nay. Đồng thời, người thân của họ cũng không phải sống trong cảnh tủi hờn và các nạn nhân cũng không phải mang vết thương lòng đến hết cuộc đời.