Kinh tế

Có bao nhiêu doanh nghiệp Việt đã bị người Thái 'mua đứt'?

Admin

Sở hữu cổ phần đủ để chi phối, các đại gia Thái Lan vẫn dồn dập mua gom cổ phần, nhằm gia tăng tối đa sở hữu tại các doanh nghiệp Việt Nam suốt thời gian qua.

Chi ra hàng nghìn tỷ đồng để nắm giữ lượng cổ phần đủ để chi phối hoạt động doanh nghiệp, nhưng các đại gia Thái Lan thời gian gần đây vẫn liên tục đăng ký mua thêm cổ phần để gia tăng lượng cổ phiếu, tiến tới sở hữu 100% vốn doanh nghiệp như cách nhiều đại gia Thái đã làm tại Việt Nam.

Tham vọng “nuốt chửng” Nhựa Bình Minh, Vinamilk

Mới đây nhất, The Nawaplastic Industries (thuộc Tập đoàn SCG của Thái Lan), cổ đông sở hữu trên 50% vốn tại Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), vừa cho biết đã nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên trên 54%.

Nawaplastic đã mua thêm hơn 120.000 cổ phiếu BMP, để nâng lượng nắm giữ tại đây từ hơn 44,09 triệu cổ phiếu (53,86%) lên hơn 44,21 triệu (54,007%). Đây là số cổ phiếu nằm trong 1,17 triệu cổ phiếu mà cổ đông này đăng ký mua thêm trong giai đoạn 18/6 đến 16/7, với kế hoạch nâng tỷ lệ sở hữu tại đây lên 54,39%.

Trước đó, cũng chính Nawaplastic Industries đã mua thêm 118.820 cổ phiếu BMP trong giai đoạn 22-26/6.

 Đã là cổ đông chi phối hoạt động tại Nhựa Bình Minh, nhưng Nawaplastic vẫn miệt mài mua thêm cổ phần tại doanh nghiệp này. Ảnh: BMP.

Hồi tháng 5, Nawaplastic cũng đã đăng ký mua vào hơn 2,86 triệu cổ phiếu BMP để gia tăng tỷ lệ sở hữu tại "ông lớn" ngành nhựa Việt này, nhưng chỉ mua được gần 1,7 triệu cổ phiếu. Nguyên nhân không thực hiện mua được hết lượng cổ phiếu mong muốn vì không phù hợp giá mục tiêu.

Trước đó, sau khi mua lại số cổ phần do SCIC bán ra, Nawaplastic chính thức trở thành cổ đông chi phối tại Nhựa Bình Minh, với trên 50% vốn nắm giữ. Nhưng đại gia ngành nhựa Thái Lan vẫn không dấu ý định gia tăng tỷ lệ sở hữu tại đây, khi liên tiếp đăng ký mua thêm cổ phiếu. Và dù mỗi lần đăng ký đều không mua đủ số cổ phiếu mong muốn, đại gia này vẫn chưa dừng lại.

Tương tự như cách Nawaplastic đang làm tại Nhựa Bình Minh, doanh nghiệp của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi - cổ đông lớn thứ 2 tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (VNM), cũng đang miệt mài mua gom cổ phần doanh nghiệp này.

Sau rất nhiều lần đăng ký mua vào lượng lớn cổ phiếu VNM nhưng không thành công, mới đây, F&N Dairy Investments một lần nữa đăng ký mua vào hơn 14,5 triệu cổ phiếu VNM. Giao dịch dự kiến thực hiện trong khoảng thời gian từ 11/7 đến 9/8 tới, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh trên sàn.

 

Nếu mua thành công, F&N Dairy Investments sẽ nâng sở hữu tại Vinamilk từ hơn 251,2 triệu cổ phiếu (17,31%) lên 265,7 triệu (18,31%). Với mức giá VNM trong khoảng 160.000-170.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến F&N chi ra số tiền 2.300-2.465 tỷ đồng cho đợt mua lần này.

Cả hai cổ đông F&N Dairy Investments và F&N BEV Manufacturing đều thuộc Tập đoàn Fraser & Neave Limited của Singapore, nhưng tập đoàn này đã bị tỷ phú người Thái Charoen mua lại.

Những doanh nghiệp Việt đã bị đại gia Thái mua “đứt”

Nhìn vào các thương vụ của đại gia Thái tại thị trường Việt Nam có thể thấy các đại gia này luôn muốn thâu tóm toàn bộ doanh nghiệp, dù phải chi mức giá rất cao.

Cuối tháng 5 vừa qua, Tập đoàn SCG đã hoàn tất ký hợp đồng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), để mua nốt 29% cổ phần còn lại tại Nhà máy lọc Hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa - Vũng tàu) với giá trị 2.052 tỷ đồng. Trước đó, SCG đã sở hữu 71% vốn tại dự án này, và đợt ký kết mới đây chính thức đánh dấu việc thâu tóm hoàn toàn 100% dự án.

Đây là dự án được cấp phép đầu tư từ năm 2008, với tổng vốn 3,7 tỷ USD. Sau một số lần điều chỉnh, vốn đầu tư của dự án đã được tăng lên mức 4 tỷ USD và nay là 5,4 tỷ USD.

 SCG là một trong những doanh nghiệp Thái có "thói quen" mua đứt 100% vốn doanh nghiệp Việt. Ảnh: Nikkei.

Ban đầu, SCG chỉ sở hữu 46% vốn tại dự án này nhưng sau đó đã mua lại vốn từ một cổ đông khác, để nâng lên sở hữu 71% và mới đây là mua lại cổ phần của PVN.

SCG cũng chính là cái tên đã mua 100% vốn cổ phần của Công ty cổ phần Vật liệu Xây dựng Việt Nam, với vốn 160 triệu USD hồi đầu năm 2017.

Cuối năm 2012, tập đoàn này cũng chi tới 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng) để mua lại 85% vốn Công ty cổ phần Prime Group. Suốt những năm sau đó, SCG liên tục khẳng định kế hoạch mua nốt 15% vốn còn lại của Prime Group với giá 2,19 tỷ baht (1.400 tỷ đồng) để nâng sở hữu tại đây lên 100%.

Ngoài ra, các doanh nghiệp Thái đang sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp Việt như SCG sở hữu 80% vốn Công ty cổ phần Bao bì nhựa Tín Thành (Batico); Tập đoàn Berli Jucker (thuộc TCC Holdings) sở hữu 65% cổ phần của Phú Thái Group; hay Công ty Frasers Centrepoint Limited sở hữu 70% vốn của Công ty cổ phần phát triển nhà GHomes… cũng không dấu ý định muốn mua lại toàn bộ vốn cổ phần tại các doanh nghiệp này để nắm giữ 100% tại doanh nghiệp.

 Nguồn: VNDirect.