4h30 sáng, từng chuyến xe ngoại tỉnh nối đuôi nhau cập Bến xe Mỹ Đình. Cũng từ giờ đó, ngày mới của hàng trăm người chạy “GrabBike” bắt đầu. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong rừng màu xanh GrabBike đứng chật kín điểm trả khách thì có rất nhiều là GrabBkie “nhái”.
Rất nhiều bạn trẻ tham gia GrabBike. ảnh: T.G |
Mạo danh để “hút” khách
Hường, người mặc áo xanh GrabBike, đầu cũng đội mũ bảo hiểm có logo GrabBike, chạy xe Honda Wave biển kiểm soát 29 - F1 400… tự nhận với tôi: “Tôi là GrabBike giả thì có sao? Xe ôm truyền thống giờ khó bắt khách đành mạo danh kiếm ăn. Nhưng nói thật “mượn áo” thôi, không lừa khách đâu, GrabBike giả còn rẻ hơn thật(?!)”.
Trên hành trình chạy từ bến xe Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) về đến Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Hường ra giá 40.000 đồng. Tôi bảo: “Mở ứng dụng điện thoại ra, hết bao nhiêu tôi trả bấy nhiêu”. Hường nói: “Không có ứng dụng, “mượn áo” GrabBkie thôi, giá thỏa thuận, ưng thì đi. Em ngồi GrabBkie thật, giá không dưới 40.000 đồng đâu”. Hường thừa nhận từ ngày mạo danh, khách đi không ngớt. Tôi ngỏ ý muốn chạy GrabBike vì “béo bở” quá, Hường bảo: “Dễ ợt! Đưa anh 500.000 đồng sẽ có 1 bộ GrabBike gồm 2 mũ bảo hiểm, áo đồng phục và áo mưa đều chính hãng”. Rồi Hường nói thêm: “Thế là có chạy GrabBike, nhưng là GrabBike “mượn áo” thôi nhé”.
Trước đây, để có một bộ đồng phục của GrabBike, người chạy xe ôm chỉ cần mua với giá 60.000 đồng một chiếc mũ, 50.000 đồng một áo đồng phục. Nhưng hiện nay, GrabBike làm chặt hơn khâu cấp đồng phục. Hường thổ lộ: “Giờ bên Grab lo vấn đề tuồn hàng ra ngoài nên khi nhân viên mua, họ bắt xuất trình CMND, giấy tờ này nọ. Trước chỉ cần báo mất là được cấp hoặc mua mới rất dễ”. Tuy khâu cấp đồng phục của Grab chặt chẽ hơn trước nhưng không vì vậy mà giới xe ôm muốn giả mạo Grab hết đường làm ăn. Thay vì mua giá rẻ họ phải bỏ khoảng nửa triệu để có một bộ đồng phục gồm 2 mũ, áo đồng phục và áo mưa.
Theo Hường một số người chạy xe ôm truyền thống còn mua mũ bảo hiểm ở ngoài rồi về sơn màu xanh, vẽ logo nhái của GrabBike cho đỡ chi phí.
Theo quan sát của chúng tôi, tại Bến xe Mỹ Đình, trong số hàng chục người mặc áo có logo GrabBike thì không có nhiều người dùng ứng dụng của hãng này trên điện thoại smartphone để tính tiền khách. Những người không dùng ứng dụng này rất có thể là GrabBike giả. Một cuộc khảo sát trực tiếp từ 3 PV nhập vai khách hàng thì có đến quá nửa xe ôm mặc áo GrabBike không sử dụng ứng dụng tính tiền cho khách.
Bác Nguyễn Sỹ Thực ở ngõ Thiên Hiền, đường Vành Đai 3 (gần bến xe Mỹ Đình) chạy xe ôm hơn 20 năm, cho biết: “Phần lớn dân GrabBike giả đều là dân địa phương, không có việc làm. Họ mua đồng phục GrabBike mặc vào rồi chạy bừa. Họ giả danh vì 2 ông xe ôm, một trang phục thường, một màu xanh Grab, khách sẽ chọn ông mặc áo xanh vì tin rằng giá rẻ. Tôi chạy khách quen lại lo bị phạt nên không bỏ tiền mua đồng phục”.
Giãn tĩnh mạch sẽ biến mất trong 7 ngày nếu dùng trước khi ngủGiãn tĩnh mạch sẽ biến mất trong 7 ngày nếu dùng trước khi ngủ Nếp nhăn, bọng mắt và quầng thâm sẽ biến mất trong vòng 20 phút!Nếp nhăn, bọng mắt và quầng thâm sẽ biến mất trong vòng 20 phút! Hôi miệng là do kí sinh trùng! Chúng sẽ biến mất với cách này!Hôi miệng là do kí sinh trùng! Chúng sẽ biến mất với cách này!
Rộ phong trào GrabBike “nhái”
Trên hành trình của một GrabBike giả. ảnh: T.G |
Tôi đưa ba lô cho anh Chiến (tên anh này tự xưng), đi biển số 29 - P1 014… để anh chở từ Bến xe Mỹ Đình ra sân bay Nội Bài. Anh Chiến cũng là một GrabBike giả. Lý giải việc mạo danh, anh Chiến cho biết: “Giá GrabBike thật từ đây (Bến xe Mỹ Đình) ra Nội Bài là 92.000 đồng. Tôi lấy anh 80.000 đồng, rẻ hơn 12.000 đồng nhé. Vì làm thật khó kiếm cơm nên làm giả thôi”.
“Đội GrabBike thật chạy được 92.000 đồng nhưng về phải đóng phí. Tôi không đóng phí cho ai lấy 80.000 đồng, khách lại được lợi 12.000 đồng”, anh Chiến cho biết.
Tôi thắc mắc, đội GrabBike nhái không sợ bị phạt vì trá hình? Anh Chiến bảo: “Tôi chạy như thế này (mặc áo xanh, đội mũ xanh) 4 tháng rồi. Đứng đây (trước Bến xe Mỹ Đình) từ sáng đến tối khuya, thấy ai phạt mạo danh. Giờ mà bắt thì nhan nhản, chúng tôi chỉ lo cảnh sát trật tự bắt vì đậu sai quy định thôi”.
Anh Chiến, nhà ở làng Xuân Đỉnh (quận Tây Hồ), 53 tuổi đời, 23 năm tuổi nghề chạy xe ôm cho biết: “Xuống Mỹ Đình xa nhà chút nhưng “kiếm” được. Kết thúc dịp 2/9 vừa qua, tính ra tháng vừa rồi mình làm được 20 củ (20 triệu đồng) chưa kể chi phí mua xăng, cơm nước dọc đường. Trước chạy xe ôm, mặc thường phục kịch kim chỉ được 12 triệu/tháng. Giờ chạy GrabBike (giả) vất vả hơn, nhưng nhiều chuyến hơn, nhiều tiền hơn”.
Tình trạng GrabBike nhái tại Hà Nội thường chỉ xuất hiện ở các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát. Trong cuộc đua công nghệ, thu nhập giảm mạnh khiến xe ôm truyền thống tìm cách “sống sót” bằng cách mạo danh phổ biến như phong trào.
Theo cách trá hình này, họ có khách dễ dàng, không phải sử dụng công nghệ phức tạp, không phải “xa địa bàn” hoạt động quen thuộc là bến xe, không mất phí cho ai. Nhiều hành khách khi được hỏi cũng không biết phân biệt đâu là xe ôm công nghệ “xịn”, đâu là “rởm”. Việc thương lượng giá những quãng đường ngắn diễn ra rất nhanh, miễn là khách hàng muốn có xe ngay sau một chuyến đi dài. Tâm lý khách thấy xe ôm áo xanh nhầm tưởng rằng họ đã đăng ký hồ sơ lý lịch, thông tin đầy đủ mới được chạy, nên yên tâm không cần biết ai thật- ai giả.