Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thuế, đến ngày 6/2, 258 sàn cung cấp thông tin trên Cổng thông tin Thương mại điện tử của Tổng cục Thuế, bao gồm một số sàn lớn như Shopee, Lazada, Sendo, chưa bao gồm Tiki.
Còn theo dữ liệu khai thác được từ Cổng thông tin Thương mại điện tử tại thời điểm quý IV/2022, tổng số tổ chức trong nước đăng ký bán hàng trên sàn là 14.875; tổ chức nước ngoài là 8; cá nhân trong nước là 53.208; cá nhân nước ngoài là 4. Số lượt giao dịch là hơn 14,5 triệu; tổng giá trị giao dịch khoảng 4.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo cơ quan này, giao dịch và giá trị hàng hóa giao dịch theo đánh giá sơ bộ còn chưa tương xứng với thực tế. Cơ quan này sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro để chỉ đạo cơ quan thuế các cấp triển khai các nghiệp vụ quản lý thuế tại địa bàn đến từng tổ chức, cá nhân có liên quan, phục vụ công tác quản lý thuế.
Tổng cục Thuế nắm thông tin của hơn 53.000 cá nhân và 14.800 tổ chức bán hàng trên Shopee, Lazada, Sendo... để có cơ sở thu thuế (Ảnh: Thảo Thu). |
Bà Tạ Thị Phương Lan - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) - đánh giá đây là kỳ đầu tiên cung cấp thông tin nên các doanh nghiệp còn nhiều lúng túng. Cơ quan thuế cũng có hỗ trợ trực tiếp, đặc biệt là các sàn lớn, đã có dữ liệu, thông tin định danh về các tổ chức, cá nhân kinh doanh đăng ký bán hàng trên sàn.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 98 Luật Quản lý thuế số 38, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin bằng văn bản hoặc dữ liệu điện tử người nộp thuế theo yêu cầu của cơ quan quản lý thuế.
Còn các sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán bao gồm họ tên, mã số thuế/định danh cá nhân/hộ chiếu/chứng minh nhân dân/căn cước công dân, địa chỉ, số điện thoại... Các sàn có chức năng đặt hàng trực tuyến như Lazada, Sendo, Shopee… phải cung cấp thêm cả doanh thu của từng người bán.
Tác giả: Thảo Thu
Nguồn tin: Báo Dân trí