Trong nước

'Công an ra quân buôn lậu biết hết' (!)

Admin

Nghịch lý này được Phó Chủ tịch tỉnh An Giang Lê Văn Hưng nêu ra tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ sơ kết hoạt động nửa đầu năm 2017 Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ngày 20/7. Ông Hưng than lực lượng chống buôn lậu còn thiếu và yếu, không loại trừ khả năng có nơi tiếp tay, bảo kê cho buôn lậu…

Cuộc họp do Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chủ trì.

Báo cáo của thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, tình hình hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nửa đầu năm 2017.

Trong 6 tháng, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 88.560 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, bán hàng tịch thu và công tác thanh, kiểm tra, truy thu thuế đạt hơn 7.900 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Lực lượng chống buôn lậu đã khởi tố hơn 1.100 vụ đối với 1.372 đối tượng.

Đặc biết, các cơ quan chức năng đã phát hiện các cơ sở trong nước mua các nguyên, phụ liệu giá rẻ, không rõ nguồn gốc, chất lượng, sau đó tổ chức đóng gói thủ công, pha trộn, dán nhãn mác nhái các thương hiệu và cung cấp ra thị trường hàng giả, hàng nhái.

 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: "Thay thế ngay những người đứng đầu cơ quan có biểu hiện bao che, dung túng cho buôn lậu".

Minh chứng cụ thể về nhận định này, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn nói về hiện tượng kinh doanh phổ biến, gần như công khai các chất cấm như bóng cười, khí vui tại các quán cà phê, nhà hàng tại khu vực trung tâm thành phố.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng thì trình bày cụ thể về hoạt động buôn bán hóa chất, phổ biến nhất là phân bón, sau tới các loại phụ gia trôi nổi để dùng trong chế biến thực phẩm trên địa bàn thành phố.

“Việc kiểm soát quá trình tiêu thụ mặt hàng hóa chất rất phức tạp vì TPHCM là địa bàn trung chuyển trong khu vực. Các đối tượng buôn lậu thường đưa hàng từ Campuchia sang, tập kết ở những khu vực giáp ranh như huyện Củ Chi, Bình Chánh… sau đó mới phân nhỏ, đưa vào trung tâm thành phố tiêu thụ. Những kẻ buôn lậu rất manh động, sẵn sàng chống trả, dùng thủ đoạn tinh vi, có tổ chức mạng lưới cảnh giới” – ông Huỳnh Cách Mạng nói.

Phó Chủ tịch tỉnh An Giang Lê Văn Hưng, đại diện một địa phương là điểm nóng buôn lậu trên tuyến biên giới Tây Nam, nơi có cửa khẩu Tịnh Biên nối với Campuchia nhận định, tình hình phức tạp do lực lượng chống buôn lậu còn thiếu và yếu.

“Khi lực lượng ra quân thì thực tế, đội quân buôn lậu đã biết hết, nắm được lịch hoạt động, kiểm tra cụ thể tới từng đầu đường, hẻm ngõ. Còn khi đội buôn lậu vận hành thì bộ máy của mình lại không biết gì, luôn bị động”- ông Hưng cho rằng, cần có giải pháp kinh tế để đánh kinh tế chứ sử dụng biện pháp chính trị, hành chính trị như lâu nay không hiệu quả.

Ông Hưng đề nghị có cơ chế để mở rộng lực lượng tham gia bắt buôn lậu, như tăng tỷ lệ thưởng tới 50% giá trị hàng hóa bắt được để huy động rộng rãi 2 triệu người dân trên địa bàn làm tai mắt cho lực lượng.

Phó Chủ tịch An Giang khuyến cáo: “Buôn lậu không sợ lực lượng của chúng ta đâu, vì quá mỏng và quá yếu, không loại trừ khả năng có thể bị mua chuộc mà sợ là cả 2 triệu dân cùng tham gia canh buôn lậu”.

Đánh trúng, đánh đúng đối tượng đầu nậu, đầu sỏ

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu quyết tâm và trách nhiệm cao hơn từ Ban Chỉ đạo đến những người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu.

“Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định công tác chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các cấp, các ngành, kiên quyết không có vùng cấm trong công tác này”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện có kết quả các giải pháp đã đề ra về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới phương thức, quy trình quản lý để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo cân đối cung cầu thị trường hàng hóa trong nước.

Nhấn mạnh biên giới là phên dậu của quốc gia, Phó Thủ tướng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế phát triển kinh tế xã hội vùng sâu, vùng xa, góp phần ổn định cuộc sống người dân, để người dân không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi buôn lậu vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra yêu cầu tăng cường công tác thanh tra trách nhiệm, thanh tra, kiểm tra công vụ, thực hiện dân chủ công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, nhất là việc bổ nhiệm, điều động, luân chuyển; có quy định cụ thể về việc điều chuyển, thay thế những người đứng đầu các cơ quan đơn vị có biểu hiện bao che dung túng cho buôn lậu, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Xử lý nghiêm cán bộ, công chức có vi phạm, xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân, của xã hội đối với cơ quan chức năng. Huy động sức mạnh xã hội trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

“Cần xử lý nghiêm các vụ việc đã phát hiện, rà soát các vụ việc nổi cộm để xử lý đúng người, đúng tội, đánh trúng, đánh đúng đối tượng đầu nậu, đầu sỏ. Cơ quan điều tra tội phạm tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, xác lập các chuyên án để làm rõ các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng liên quan” - Phó Thủ tướng nói.