Kinh tế

Công khai rao bán tinh trùng qua mạng

Admin

Chỉ cần gõ cụm từ “bán tinh trùng” trên Google, trong vòng 0,46 giây cho ra 2.240.000 kết quả từ mua bán tinh trùng trực tuyến trên mạng tới mua bán qua điện thoại hoặc hẹn gặp mặt trực tiếp…

Lợi dụng thông tin từ những nghiên cứu về trẻ thụ tinh ống nghiệm dễ bị dị tật, gần đây một số người dẫn lại thông tin này trên mạng xã hội với mục đích lấy bài viết làm cơ sở để rao bán tinh trùng một cách công khai.

“Khè” người vô sinh để rao bán tinh trùng

Tại địa chỉ http://bantinhtrung..., người đọc có thể dễ dàng thấy trang đã dẫn lại vài bài nghiên cứu về công nghệ thụ tinh nhân tạo (IVF) có khả năng tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Từ đó, chủ nhân trang này đã công khai rao bán tinh trùng với nội dung: “Hiện nay tôi đang cung cấp một dịch vụ giúp đỡ những người hiếm muộn, vô sinh rất hiệu quả. Mọi chi tiết xin vui lòng liên hệ với tôi qua email…”.

Việc mua bán được ghi rõ có thể làm gián tiếp hoặc trực tiếp tại TP.HCM, Cần Thơ và các vùng lân cận. Cụ thể, bơm tinh trùng gián tiếp giá 8-10 triệu đồng/hai lần bơm. Bơm tinh trùng trực tiếp (bằng cách quan hệ trực tiếp) giá 6-9 triệu đồng/ba lần (có thỏa thuận chút ít tùy vào hoàn cảnh từng gia đình).

Đáng chú ý, những dòng rao tin cuối cùng trên trang này là từ tháng 8-2015. Nhưng đến nay rất nhiều người vẫn tiếp tục biết đến nó do liên tục có nhiều comment để lại số điện thoại và lời rao bán tinh trùng. PV đã thử liên hệ với một người tên S., số điện thoại 096276xxxx. Sau khi nghe PV than thở đã lấy vợ 10 năm nhưng chưa có con, S. trấn an: “Anh yên tâm, tôi sẽ giúp anh. Đảm bảo vợ anh sẽ mang thai và sinh ra đứa con vừa đẹp vừa thông minh”.

Khi được hỏi về “phương thức giao dịch”, S. tỏ ra thoải mái khi trả lời là muốn chọn cách nào cũng được, miễn đừng để anh ta chịu thiệt. Ngoài ra, PV phải thu xếp lo vé máy bay đi về để anh ta từ Lạng Sơn vào TP.HCM cùng chi phí ăn ở tại TP.HCM trong vòng hai tháng.

Người thứ hai PV liên hệ tên H., số điện thoại 093723xxxx. H. cho hay mình ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) nên hẹn khách ra quán nước gần nhà bàn chuyện cho tiện. Sau khi uống hớp cà phê, H. đi thẳng vào vấn đề bằng câu giới thiệu: “Tôi 34 tuổi, tốt nghiệp lớp 12, là lao động phổ thông. Tôi có hai con, trai gái đủ cả. Anh chị muốn có con cách nào tôi chiều cách đó. Cứ mỗi lần bơm tinh trùng hoặc quan hệ thì anh chị cho tiền gấp ba ngày công tôi làm”.


“Cò” tinh trùng N. đang giao dịch với PV.  Ảnh: TRẦN NGỌC 

Người bán tinh trùng tên H. ngồi đợi PV ở một quán nước. Ảnh: TRẦN NGỌC


Những lời comment rao bán tinh trùng trên một trang mạng.  Ảnh: TH

28 triệu đồng một lần dẫn mối

Ngoài rao bán trên mạng, tinh trùng còn được mua bán qua đội ngũ “cò” trước cổng các bệnh viện (BV) phụ sản mà trợ thủ đắc lực là lực lượng xe ôm.

Sáng 15-7, trong vai một người đang có nhu cầu “mua tinh”, PV làm liều đi thẳng tới một bác xe ôm đang chờ khách trước cổng BV Từ Dũ (TP.HCM) để hỏi. Sau khi nghe câu chuyện không được làm cha sau 10 năm cưới vợ, bác xe ôm an ủi: “Được rồi, tôi sẽ giới thiệu giúp anh. Bà N. là “cò” tinh trùng có tiếng ở đây, anh đợi chút để tôi gọi điện thoại xem bả có nhà không”.

Sau khi gọi điện thoại, bác xe ôm cho biết 20 phút nữa bà N. mới về. Trong khi ngồi chờ bà N. trong quán nước, bác xe ôm tỏ ra hiểu biết: “Giờ người mắc bệnh vô sinh do không có tinh trùng như anh nhiều lắm. Muốn có con anh phải vô BV làm thụ tinh nhân tạo bằng cách lấy tinh trùng có sẵn phối với trứng của vợ anh trong ống nghiệm. Sau khi thành phôi, BV sẽ cấy phôi vô tử cung vợ anh. Phôi lớn lên thành thai nhi, tức là con của vợ anh và người đàn ông đã cho tinh trùng”. Cũng theo bác xe ôm, muốn nhận được tinh trùng có sẵn trong BV thì người xin cần tìm một người hiến tinh trùng để hoán đổi nhưng thủ tục rất nhiêu khê. Bởi vậy nên dịch vụ mua bán tinh trùng ra đời.

Liếc đồng hồ, bác xe ôm hối PV lên xe ông chở đến nhà “cò” N. Bà N. trên 55 tuổi. Sau khi nghe yêu cầu bà đảm bảo: “Tôi sẽ tìm cho cậu một người bán tinh trùng. Tuy nhiên, khi làm hồ sơ thụ tinh trong ống nghiệm thì cậu phải khai với BV đây là người hiến tinh trùng nghe chưa. BV mà biết cậu mua bán tinh trùng là họ không nhận hồ sơ đâu”.

Thấy người mua vẫn có vẻ chưa hiểu, bà N. giải thích thêm: “Trước khi hiến, người bán tinh trùng phải được thử máu, kiểm tra tinh dịch đồ ba lượt. Nếu tinh trùng đạt chất lượng, BV sẽ bảo quản lạnh. Ba tháng sau người bán sẽ đến BV lần nữa để xét nghiệm HIV, nếu không bị nhiễm bệnh thì tinh trùng sẽ được BV lưu giữ, đồng thời họ đưa cho cậu mẫu tinh trùng để làm thụ tinh ống nghiệm với trứng của vợ cậu, hiểu không?”.

Cũng theo bà N., cách này rất an toàn nhưng do tốn nhiều thời gian chờ đợi, ra vào BV, người bán lại phải bồi bổ để tinh trùng khỏe nên giá trọn gói là 28 triệu đồng. “Sau ba lượt kiểm tra tinh dịch đồ mà đạt thì cậu đưa trước 14 triệu đồng. Khi kết quả kiểm tra HIV đạt, cậu đưa nốt số tiền còn lại. Mà đó chỉ là tiền mua bán tinh trùng thôi nha, còn tiền thụ tinh ống nghiệm ở BV thì cậu tự trả. Giờ đưa tôi 500.000 đồng làm tin, vài ngày nữa tôi sắp xếp để người bán gặp cậu” - bà N. nói giọng chắc nịch. Bà còn cam đoan chỉ giới thiệu cho khách những người đàng hoàng, không có gì phải lo…

Nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi

Theo BS Trần Ngọc Hải, Phó Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, thụ tinh bằng cách bơm tinh trùng của một người không rõ nhân thân vào tử cung hoặc quan hệ trực tiếp với người đó đều rất nguy hiểm cho cả mẹ lẫn thai nhi do nguy cơ cao lây nhiễm các bệnh như HIV, giang mai, lậu, sùi mào gà…

Về việc thỏa thuận, mua bán tinh trùng ngoài BV rồi mới vào BV để thụ tinh, BS Hải khẳng định việc đó diễn ra ngoài BV nên BV không thể biết. Tuy nhiên, nguyên tắc của BV là đáp ứng nhu cầu chính đáng của người bệnh và thực hiện theo đúng pháp luật.

“Trong thực tế và các nghiên cứu báo cáo mới nhất đều không ghi nhận thực trạng trẻ sinh bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm có dị tật cao hơn so với trẻ sinh tự nhiên. Hơn nữa, tất cả thai nhi đều được tầm soát để kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ” - BS Hải cho biết thêm.

Về quy trình cho tinh trùng, TS-BS Vũ Minh Ngọc, khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, cho biết người cho tinh trùng trước tiên phải là người khỏe mạnh, tối thiểu là tốt nghiệp THCS. Người này cần đến BV kiểm tra, xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV, viêm gan B, giang mai, nhiễm sắc thể… Khi các kết quả xét nghiệm bình thường, họ sẽ được thử tinh dịch đồ. Nếu đủ điều kiện, tinh trùng sẽ được trữ ba mẫu, mỗi mẫu tối thiểu cách nhau 3-5 ngày.

“Sau ba tháng, người cho tinh trùng phải kiểm tra lại HIV một lần nữa. Nếu âm tính, ba mẫu tinh trùng nói trên mới chính thức được lưu trữ trong ngân hàng tinh trùng và vợ chồng vô sinh sẽ nhận ba mẫu đổi để làm thụ tinh trong ống nghiệm” - BS Ngọc cho biết thêm.

                                  ________________________________

Tỉ lệ dị tật là ngang nhau

Nếu tính trên số lượng lớn thì dị tật ở trẻ sinh ra trong ống nghiệm và trẻ sinh tự nhiên gần như nhau, tỉ lệ khoảng 2%. Tuy nhiên, khi xét một số trường hợp cụ thể thì dị tật ở trẻ sinh trong ống nghiệm có nhỉnh hơn một chút nhưng không đáng kể so với trẻ sinh tự nhiên. Chính vì cha, mẹ có bệnh lý nên không thể sinh con tự nhiên mà phải thụ tinh trong ống nghiệm, điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến con của họ.

Việc mua bán tinh trùng rồi bơm vào tử cung hoặc quan hệ trực tiếp chẳng những vi phạm pháp luật mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe của mẹ và con. Hơn nữa, tỉ lệ có thai ở cả hai cách nói trên đều rất thấp vì cơ sở y tế không có thiết bị hiện đại.

BS HỒ MẠNH TƯỜNG, Tổng Thư ký Hội Nội tiết sinh sản
và vô sinh TP.HCM