Kinh tế

Công ty đường sắt xin ứng 471 tỷ để trả nợ lương và đối tác

Lợi Trần

Nợ lương công nhân, tiền vật tư và lãi vay ngân hàng chồng chất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) xin Thủ tướng cho phép Bộ Giao thông vận tải ứng trước 471 tỷ đồng để trả nợ.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa có công văn gửi Thủ tướng báo cáo về việc thực hiện các công trình khẩn cấp tại tổng công ty này và đề nghị một số nội dung để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp.

Cụ thể, với vai trò là chủ đầu tư các công trình xây dựng, VNR đã yêu cầu nhà thầu triển khai hoàn thành công trình theo đúng tiến độ yêu cầu của Thủ tướng. Đến nay, công trình xây dựng mới 3 cầu Đồng Nai, Tam Bạc, Thị Cầu đều cơ bản hoàn thành vào quý II/2013 và cuối năm 2013.

 

VNR kiến nghị thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước 471 tỷ đồng cho đơn vị này trả nợ nhà thầu. Ảnh: Lê Hiếu.

Tuy nhiên, VNR đang nợ 471 tỷ đồng các nhà thầu thi công từ năm 2013. Tình hình các nhà thầu hiện đang rất khó khăn. Nợ lương công nhân, nợ tiền vật tư, nợ chi trả lãi vay ngân hàng phát sinh mỗi năm hơn 45 tỷ đồng tiền lãi (bình quân mỗi tháng gần 4 tỷ đồng).

Theo đơn vị này, công việc những năm qua lại vô cùng khó khăn dẫn đến các nhà thầu có nguy cơ đóng tài khoản, nếu tiếp tục kéo dài sẽ phải dừng hoạt động.

Các nhà thầu này trước đây trực thuộc tổng công ty nay đã được cổ phần hoá, một số công ty đã thoái hết vốn, số còn lại đang tiếp tục thoái vốn. Vì vậy, việc thanh toán cổ tức, đối chiếu thanh toán nợ với VNR không thực hiện được. Các đơn vị quá khó khăn, không có kinh phí để trả nợ tổng công ty.

Sau khi kêu khó, VNR kiến nghị thủ tướng cho phép Bộ Giao thông Vận tải ứng trước 471 tỷ đồng hoặc bố trí đủ từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2016, để bộ này giao cho đơn vị thanh toán hết cho các nhà thầu.

Liên quan đến VNR, trước đó vào đầu tháng 9, Thanh tra Chính phủ đã công bố hàng loạt sai phạm tại đơn vị này.

Theo đó, doanh nghiệp bị cáo buộc đang nắm trong tay hệ thống hạ tầng đường sắt khổng lồ nhưng kinh doanh trì trệ, làm thất thoát vốn, xem thường lợi ích nhà nước trước việc sử dụng hai khu đất vàng diện tích gần 1.000 m2 có giá trị lớn ở thủ đô Hà Nội.

Dù điều hành sản xuất kinh doanh của Ban điều hành tổng công ty trong giai đoạn từ 2010 đến 2013 còn nhiều tồn tại vi phạm nhưng vẫn trích tối đa quỹ thưởng ban điều hành với số tiền trên 1,85 tỷ đồng theo loại hình doanh nghiệp A là chưa phù hợp.

Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy VNR đã tổ chức 188 đoàn đi nước ngoài với số tiền chi gần 14 tỷ đồng, trong đó có 23 đoàn đi không có văn bản mời hay hợp đồng học tập với phía đối tác, tổng số tiền gần 2 tỷ đồng.

Kiểm tra hồ sơ 5 đoàn đi nước ngoài năm 2012-2013, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả 5 đoàn đều hợp đồng qua các công ty du lịch trong nước với nội dung đi nước ngoài là “tham quan, học tập”, tổng chi phí trên 1,7 tỷ đồng là sai quy định tại Thông tư 91/2005 của Bộ Tài chính và sai chế độ tài chính về quản lý chi phí.

Tác giả bài viết: Kiều Linh

Nguồn tin: