Kinh tế

Cử nhân đại học lập nghiệp từ nuôi thỏ New Zealand

Admin

Tốt nghiệp đại học năm 2011, nhưng không xin được việc làm, nhưng bằng ý chí, quyết tâm, chị Ung Thị Bích Dân ở thôn Phú Vang, xã Bình Kiến, TP.Tuy Hòa (Phú Yên) đã tự mày mò, học hỏi kinh nghiệm và quyết định khởi nghiệp từ nuôi thỏ New Zealand, mỗi năm thu lợi 100 triệu đồng.

 Chị Ung Thị Bích Dân tại trang trại thỏ New Zealand

Chị Ung Thị Bích Dân (27 tuổi) đã tốt nghiệp tại trường Đại học Phú Yên chuyên ngành Hóa Sinh. Chị tốt nghiệp năm 2011, ra trường với ước mơ làm một cô giáo đi dạy, nhưng dù nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng vẫn không tìm được việc làm.

Vì điều kiện kinh tế, chị Dân xin vào làm việc tại một công ty ở TP. Kon Tum (tỉnh Kontum). Làm được hơn 1 năm thì chị lập gia đình và theo chồng về quê Phú Yên sinh sống.

“Lúc bấy giờ bản thân không có việc làm, cả gia đình sống nhờ vào đồng lương cán bộ y tế xã ít ỏi của chồng nên kinh tế rất khó khăn”, chị Dân tâm sự.

Bằng ý chí, quyết tâm chị bắt đầu mày mò tìm hiểu những mô hình làm kinh tế hay, vốn ít nhưng hiệu quả cao. Trong 1 lần tình cờ đọc báo, chị thấy mô hình nuôi thỏ của trại thỏ Quốc Cường ở TP.Đà Nẵng nên có ý định thực hiện. “Suy nghĩ của mình là vậy, nhưng vì chưa có kinh nghiệm, vợ chồng chuyển sang nuôi gà Đông Tảo”, chị Dân kể lại.

Nuôi hơn 1 năm, đàn gà phát triển khá tốt nhưng lại “bí” đầu ra nên chị Dân mạnh dạn dẹp bỏ gà và chuyển sang nuôi thỏ. Tận dụng trại gà, chị đầu tư lắp đặt 2 dãy chuồng nuôi thỏ bằng thép theo dạng chuồng hở, cách mặt đất khoảng 1 m. Ban đầu chị mua 20 con thỏ giống New Zealand trắng từ trang trại thỏ Quốc Cường và một số thỏ cỏ từ các thương lái về cho phối giống để gầy đàn. Chị phải đặt mua giống từ nhiều nơi để hạn chế tình trạng phối giống cận huyết, tránh thoái hóa.

 Những cặp thỏ bố mẹ được chị mua từ trang trại thỏ Quốc Cường


Chị Dân cho biết: “Mặc dù đã tìm hiểu rất kỹ nhưng khi bước vào nuôi thực tế thì mình mới thấy được vô vàn khó khăn. Thỏ là loài có sức đề kháng kém nên hay bị bệnh, nhất là các bệnh tiêu chảy, ghẻ và bệnh đường hô hấp. Thời gian mới nuôi tỷ lệ thỏ bị hao hụt lên đến 50%, phần lớn do bị tiêu chảy”.

Khó khăn là vậy, nhưng nhờ vào kiến thức hóa sinh mà chị được học tại trường đại học cùng với sự mày mò trên internet, chị bắt đầu mua các loại thuốc, vắc - xin về tự tiêm phòng cho thỏ. Theo chị Dân, về cơ bản đến nay mọi bệnh tật của thỏ, chị đều có thể phòng tránh.

Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh, trại thỏ của chị Dân lại gặp phải vấn đề về chất thải. Khi đàn thỏ bắt đầu được nhân lên, thì lượng chất thải cũng gia tăng gây mùi hôi. Chị học hỏi và tìm hiểu nhiều mô hình nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học. Trên nền đất phía dưới các dãy chuồng, chị đầu tư làm lớp đệm lót sinh học. Toàn bộ phân, nước tiểu của thỏ được xử lý qua lớp đệm không còn mùi. Lớp đệm còn hạn chế mầm bệnh phát sinh, góp phần bảo vệ môi trường. Từ khi có đệm lót, đàn thỏ ít bệnh hơn hẳn, đặc biệt là các bệnh hô hấp và ghẻ ở da.

Theo chị Dân, so với các loại vật nuôi khác thỏ có nhiều ưu điểm như dễ ăn, thức ăn của thỏ chủ yếu là các loại cỏ, lá cây, rơm rạ, cám gạo... Thỏ lại sinh sản dày. Bình quân mỗi năm 1 con thỏ sinh được từ 6 - 8 lứa, mỗi lứa đẻ từ 5 - 10 con. Sau hơn 1 năm nuôi, đến nay đàn thỏ của chị Dân đã có được 60 con giống, còn thỏ con và thỏ thịt có đến hàng trăm con. Mỗi năm chị Dân cung cấp ra thị trường hơn 2.000 con giống với giá 100.000 đồng/kg, thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

 Thỏ có nhiều ưu điểm như dễ ăn, thức ăn của thỏ chủ yếu là các loại cỏ, lá cây, rơm rạ, cám gạo


Chị Dân cũng nói thêm, “ở đây mình không chỉ riêng bán thỏ thịt, mà cũng thường xuyên bán thỏ con để nuôi cảnh nữa. Cũng có nhiều học sinh, sinh viên kinh doanh bán loại thỏ này đến mình bán giá gốc để mấy bạn kiếm lời…”.

Chia sẻ về dự định phát triển trong tương lai chị Dân nói, “trong thời gian đến, chắc chắn tôi sẽ mở rộng trang trại của mình vì giờ thị trường tiêu thụ rất mạnh, thỏ thương phẩm chưa đủ cung cấp cho khách hàng…”.

Nhiều lần đến tham quan mô hình nuôi thỏ của chị Dân, bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Kiến đánh giá: "Về cơ bản tôi thấy mô hình nuôi của chị Dân là rất triển vọng. Đã nhiều lần tôi dẫn các chị em phụ nữ đến xem, học hỏi kinh nghiệm, chị em nào nếu thích thì có thể liên hệ trực tiếp để Dân hướng dẫn, bán con giống rồi chuyển giao công nghệ cho nuôi… Trong thời gian đến chúng tôi sẽ tiếp tục giới thiệu mô hình cho nhiều đoàn thể khác để họ học hỏi, cùng làm giàu".