Theo Sở GDCK Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31/10, Tổng Công ty Thanh Lễ - một trong những đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn nhất nước, sẽ đầu giá cổ phần lần đầu (IPO) 11,83 triệu cổ phần ra công chúng với giá khởi điểm 10.600 đồng/cổ phần.
Hiện tại, đã có 258 nhà đầu tư đăng ký tham gia mua cổ phần Thanh Lễ với tổng lượng cổ phần đặt mua là hơn 57,3 triệu đơn vị, cao gấp gần 5 lần số cổ phần mang ra chào bán, trong đó riêng 7 tổ chức trong nước đăng ký mua 14,9 triệu cổ phần.
Đây là một dấu hiệu cho thấy, cổ phần của Công ty mẹ - Tổng công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ TNHH-MTV rất hấp dẫn trong bối cảnh thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam gần đây đón nhận rất nhiều hàng hóa của doanh nghiệp quy mô lớn và chất lượng cao lên sàn.
Trên thực tế, số cổ phần mang ra đấu giá chỉ chiếm 5% tổng số cổ phần của công ty.
Theo kế hoạch cổ phần hóa, cổ đông Nhà nước nắm giữ gần 116 triệu cổ phiếu, tương đương 49% vốn điều lệ; cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 1 triệu cổ phần, chiếm 0,45% vốn điều lệ; 11,83 triệu cổ phần bán đấu giá công khai, chiếm 5% vốn điều lệ.
Tổng cộng 108 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 45,55% vốn điều lệ sẽ được bán cho nhà đầu tư chiến lược.
|
Gần khối ngoại rất quan tâm tới cổ phiếu ngành dầu khí. Hồi cuối tháng 7, khối ngoại đã bất ngờ mua thỏa thuận 24,9%, tương ứng tỷ lệ 50,5% vốn của PGD của CTCP phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam với trị giá hơn 1,7 ngàn tỷ đồng từ nhà đầu tư trong nước.
Trong khi đó cổ đông chiến lược của doanh nghiệp mới lên sàn Petrolimex (PLX) là “gã khổng lồ” số 1 Nhật Bản, JX Nippon Oil & Energy (JX). JX đã bỏ ra gần 4 ngàn tỷ đồng để 8% vốn Petrolimex hồi năm 2016.
Dự kiến sau cổ phần hóa, Tổng công ty Thanh Lễ có vốn điều lệ 2.366 tỷ đồng.
TCT Thanh Lễ hoạt động trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là kinh doanh xăng dầu, vẫn tải thủy và bất động sản với 11 đơn vị trực thuộc và 6 công ty thành viên. Trong đó nổi bật có Công ty Cổ phần Vật liệu và Xây dựng Bình Dương (MVC) đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM. Ngoài ra, TCT Thanh Lễ còn được biết đến là Chủ đầu tư Khu công nghiệp Sóng Thần 1.
Hiện tượng các nhà đầu tư trong nước theo chân các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các cổ phiếu lớn trên sàn là rất rõ ràng và dường như không có gì là sai lầm. Hàng loạt cổ phiếu lớn đã tăng mạnh trong thời gian qua, mang lại lợi nhuận cho rất nhiều nhà đầu tư cả nội và ngoại.
Các cổ phiếu lớn như VietJet (VJC) của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng, Thế Giới Di Động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài… đều đang có mức giá cao kỷ lục mọi thời đại.
Các cổ phiếu này mang đến lợi nhuận lớn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài và trong nước nhờ vị thế đầu ngành và quy mô kinh doanh đang phát triển rất mạnh mẽ.
Vietjet vừa thông báo lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 3 ngàn tỷ đồng với hàng loạt đường bay mới mở trong kỳ. Doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ.
Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng trong khi đó mở ra nhiều lĩnh vực với hàng loạt các dự án bất động sản và nghỉ dưỡng khủng tiếp tục hình thành. Mảng bán lẻ với Vinmart+ đang mở rộng độ phủ với mức tăng chóng mặt, thách thức những nhà bán lẻ hàng đầu đến từ Nhật và Thái. Mảng mới ô tô cũng giúp cổ phiếu doanh nghiệp này tăng mạnh.
Mảng bán lẻ (Vincom Retail) của ông Phạm Nhật Vượng vừa chốt giá chào sàn 33.800 đồng/cp, định giá gần 3 tỷ USD. HOSE đã chấp thuận cho CTCP Vincom Retail được niêm yết hơn 1,9 tỷ cổ phiếu VRE với ngày giao dịch đầu tiên 6/11/2017. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên 33.800 đồng/cổ phiếu. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên +-20%.
Vincom Retail là công ty quản lý các trung tâm thương mại của tập đoàn Vingroup (VIC) với các thương hiệu Vincom Center, Vincom Mega Mall, Vincom Plaza và Vincom+…
Trên thị trường niêm yết, sau nhiều phiên bán ròng khi giá hàng loạt các cổ phiếu lên mức đỉnh lịch sử, khối ngoại lại quay trở lại mua ròng. Trong phiên 26/11, lực mua ròng tập trung vào Vinamilk (VNM), VietJet, Vietcombank (VCB), Bảo Việt (BVH), HUT…
Một số cổ phiếu xuống giá sau một thời gian dài tăng mạnh cũng đang mua vào. Chủ tịch Lê Phước Vũ của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cũng vừa đăng ký mua thêm 1 triệu cổ phiếu HSG sau khi cổ phiếu này giảm 10 phiên.
Về tổng thể, thị trường chứng khoán được đánh giá có triển vọng dài hạn vẫn khá tích cực. Quy mô và chất lượng sẽ còn tăng mạnh và đây là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trên thế giới. Thanh khoản chung trên thị trường đang được cải thiện. Dòng tiền không chỉ đổ vào các cổ phiếu chủ chốt mà còn nhiều cổ phiếu có kết quả kinh doanh quý 3 tốt.
Mặc dù vậy, theo nhiều CTCK, thị trường vẫn đang chịu áp lực điều chỉnh. Thị trường hiện tại vẫn đang được sự hỗ trợ từ một nhóm nhỏ cổ phiếu có vốn hóa lớn trong khi sự điều chỉnh đang diễn ra trên diện rộng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 26/10, VN-index giảm 0,58 điểm xuống 830,11 điểm; HNX-Index giảm 1,09 điểm xuống 106,31 điểm. Upcom-Index giảm 0,21 điểm xuống 52,59 điểm. Thanh khoản đạt gần 230 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt 5,2 ngàn tỷ đồng, cao hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng hồi tháng 6-7.